Công ty Cổ phần Hồng Lam, Xuân Thành được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho khu “đất vàng” trên bãi biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân.
Ngày 06/01/2023, Cục Thuế Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 23/QĐ-CTHHI về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành, địa chỉ thôn Thanh Vân, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành bị cưỡng chế do nợ tiền thuế, tiền nộp chậm quá 121 ngày, Cục Thuế Hà Tĩnh đã áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của Công ty cổ phần Hồng Lam, Xuân Thành nhưng không có hiệu quả. Theo đó, số tiền bị cưỡng chế là 61.735.919.130 đồng, thời gian bị cưỡng chế bắt đầu từ 00 giờ ngày 07/01/ 2023, có thời hạn 1 năm.
Ngày 14/02/2023, Cục Thuế Hà Tĩnh đã ký Thông báo số 326/TB-CTHTI gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vương Văn Tường (SN 1977) trú tại căn hộ A2408-88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Lý do tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vương Văn Tường do ông là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Hồng Lam, Xuân Thành. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 15/02/2023.
Ngày 13/3/2023, Cục Thuế Hà Tĩnh ra Thông báo số 934/TBXC-CCT gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối bà Nguyễn Thị Nga (SN 1978), nơi cư trú tổ dân phố Tiên Thuận, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Lý do tạm hoãn xuất cảnh bởi bà Nguyễn Thị Nga là người đại diện pháp luật Công ty TNHH MTV Viễn thông Nga Hòa NX, là doanh nghiệp nợ thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, hóa đơn. Thời gian hoãn xuất cảnh từ ngày 13/3/2023 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Trước đó, Cục Thuế Hà Tĩnh đã ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với các ông, bà: Trần Minh Tuấn (SN 1965), đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Hương Thủy, TP. Hà Tĩnh; Trần Đình Nghiêm (SN 1973), đại diện pháp luật của Công ty TNHH XD&DV Bình Minh, xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà; Vũ Đức Mạnh (SN 1986), đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng, phường Đồng Lạc, TP. Chí Linh, Hải Dương.
Cuối năm 2022, Cục Thuế Hà Tĩnh ra thông báo người đại diện pháp luật 11 doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh, như: Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Đông Á, Công ty Cổ phần Sông Đà 27, Công ty Cổ phần và phát triển Việt - Lào, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần sơn Penmax, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng 36, Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại 388, Công ty Cổ phần Xây dựng cầu đường Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại Hợp Nhất, Công ty TNHH MTV sắt Vũ Quang.
Ngoài ra, một số đơn vị trên địa bàn tỉnh nợ thuế, như: Tính đến tháng 11/2022, Tập đoàn Hoành Sơn nợ thuế 111,012 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp “mẹ” Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh), do ông Phạm Hoành Sơn người đại diện pháp luật nợ thuế là 109,142 tỉ đồng.
Tập đoàn Hoành Sơn Hà Tĩnh, một doanh nghiệp nợ thuế lớn.
Một doanh nghiệp khác cũng do ông Phạm Hoành Sơn đứng đầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Vũng Áng, trụ sở tại thị xã Kỳ Anh đang nợ thuế 1,604 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Điện mặt trời Hà Tĩnh, do ông Phạm Hồng Sơn đứng tên, trụ sở tại huyện Cẩm Xuyên, đang nợ thuế 266 triệu đồng.
Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để sản xuất kinh doanh, nhưng cũng kiên quyết với các doanh nghiệp nợ thuế. Trong thời gian tới, Cục Thuế Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp mạnh để chống thất thu thuế.
HẢI HƯNG