Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ với phóng viên về việc họ lo lắng, nghi ngờ có dấu hiệu thông thầu trong gói thầu phòng mòn, phục hồi và bảo vệ bề mặt sơn, kim loại, bê tông khu vực nhiên liệu than tại băng tải 21&22, 31&32, kho than 1,2 (09 khoang/1 kho) và lò hơi tổ máy 2 (giới hạn từ K6B đến K7B chiều cao từ cos+25m đến cos+60.3m) theo thông báo mời thầu IB2300089581 đăng tải ngày 21/6/2023 của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Cụ thể, sau khi có thông báo mời thầu của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (Mã TBMT: IB2300089581-00, Mã KHLCNT: PL2300067888), đa số các doanh nghiệp muốn tham gia gói thầu đều đưa ra nhiều thắc mắc.
Thứ nhất ở mục “Yêu cầu về vật tư” tại chương V nêu rõ bảng danh mục yêu cầu vật tư chủ yếu để sử dụng cho công trình gồm 6 loại vật tư chủ yếu như 3 loại sơn kết cấu thép hai thành phần, 3 loại lớp phủ phòng mòn bảo vệ bề mặt.
Trong đó, 3 loại sơn kết cấu thép hai thành phần thì tiêu chuẩn kỹ thuật được xác định là sản phẩm Hardtop AX; Jotamastic 90; EP 039 (Somay-Q) của hãng sơn Jotun đã được thương mại hóa và bán đồng loạt tại Việt Nam.
Còn 3 loại sơn phủ phòng mòn thì tiêu chuẩn được xác định là sản phẩm Nano Clear NCI (Nano Clear NCI-NPG); Nano Protect Color (ProtectGuard Color); Nano Shine Guard (Nano Protect Guard) được nhập khẩu từ Pháp, Mỹ về Việt Nam và đang được độc quyền của 1 công ty, sản phẩm này trên thị trường hiện chưa có sản phẩm tương đương. Vì vậy các doanh nghiệp khác không có cơ hội trúng thầu gói thầu này.
Thứ hai, tại mục số 2 về tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm tại trang 29 của hồ sơ mời thầu nói rằng: “Hợp đồng tương tự là hợp đồng cung cấp dịch vụ sơn và phòng mòn (chống ăn mòn), phục hồi, bảo vệ bề mặt sơn, kim loại, bê tông cho công trình/nhà máy ở khu vực giáp biển/trên biển tại Việt Nam, với chiều cao thi công đến 60m”. Như vậy, với yêu cầu này thì các nhà thầu thi công công trình tương tự ở nước ngoài mà chưa từng thi công tại Việt Nam sẽ không được tham dự.
Đưa yêu cầu này vào hồ sơ mời thầu sẽ đồng nghĩa với việc loại đi rất nhiều nhà thầu có năng lực kinh nghiệm làm thầu quốc tế.
Ngoài ra, định nghĩa khu vực gần biển không được bên mời thầu/E-HSMT nêu rõ ràng để phân biệt là công trình gần biển, như vậy bên mời thầu có quyền đánh giá mà không có tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng.
Bên cạnh đó, phía mời thầu còn yêu cầu doanh nghiệp muốn tham gia gói thầu phải đáp ứng yêu cầu là từng làm công trình có độ cao 60m. Trong khi nhiều nhà thầu từng thi công rất nhiều gói thầu trên biển trên giàn khoan nhưng không xác định chiều cao. Do đó lại khó đáp ứng được yêu cầu mà gói thầu đưa ra.
Thứ ba, phía mời thầu yêu cầu về vật tư chào tương đương với nội dung: “Trường hợp nhà thầu chào vật tư tương đương thì phải nộp kèm theo tài liệu chứng minh sự tương đương đó. Bao gồm chứng minh đã được sử dụng tối thiểu trên 5 năm tại các công trình có vị trí giáp biển/trên biển tại Việt Nam; cơ sở pháp lý, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; được đơn vị có chức năng kiểm định độc lập và có cam kết của nhà sản xuất vật tư thay thế thể hiện tính tương đương hoặc tốt hơn so với vật tư yêu cầu và phù hợp sử dụng cho công trình; cung cấp ít nhất 3 hợp đồng tương tự đã thực hiện tối thiểu trên 5 năm tại các công trình có vị trí giáp biển/trên biển tại Việt Nam đối với vật tư thay thế tương đương…”.
Để làm được những yêu cầu này thì không thể có vật tư thay thế tương đương cho loại sơn phủ phòng mòn của E-HSMT nêu ra nên các doanh nghiệp rất bức xúc.
Thứ tư, phía mời thời yêu cầu về vật tư phải chào đúng loại của E-HSMT đó là: “Nhà thầu phải cung cấp trong E-HSDT các tài liệu gồm cam kết bảo hành của nhà sản xuất đối với vật tư phòng mòn, phục hồi và bảo vệ bề mặt sơn, kim loại, bê tông bằng hoặc lớn hơn thời gian bảo hành cho công trình; Nhà thầu chào rõ Nhà sản xuất, xuất xứ vật tư yêu cầu; Đối với vật tư nhập khẩu phải cung cấp CO, CQ và cam kết của nhà sản xuất sẽ cung cấp vật tư chính theo khối lượng và tiến độ của dự án này yêu cầu”.
Theo các doanh nghiệp, với yêu cầu này thì chỉ có nhà thầu đang độc quyền hoặc hệ sinh thái thuộc nhà thầu độc quyền sản phẩm Nano chi phối là trúng thầu được gói thầu này. Bởi trên thực tế hiện nay, các công trình tương tự tại Việt Nam chỉ thực hiện việc phun cát vệ sinh bề mặt, sau đó sơn chống rỉ 2 lớp và cuối cùng là lớp sơn phủ 1 bảo vệ nhưng vẫn đảm bảo độ bền của thiết bị tối thiểu là 5 năm.
“Việc yêu cầu thêm lớp phủ (được gọi là NANO) chỉ có ý nghĩa tạo độ bóng đẹp cho bề mặt ngoài thiết bị. Nếu chỉ với mục đích bóng đẹp thì rất nhiều sản phẩm có thể thực hiện được không phải duy nhất chỉ mỗi sản phẩm mà chủ đầu tư đưa ra”, đại diện doanh nghiệp muốn tham gia gói thầu chia sẻ.
Đặc biệt, qua một số mấu chốt trong bản mời thầu, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia gói thầu nói rằng dựa theo các yêu cầu của bên mời thầu sẽ không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện trúng thầu, ngoại trừ 1 doanh nghiệp duy nhất. Vì vậy, nhiều người lo sợ việc mời thầu chỉ nhằm mục đích đúng quy trình nhưng trên thực tế mọi vấn đề đã hướng đến 1 doanh nghiệp.
“Chúng tôi muốn có một môi trường đấu thầu cạnh tranh minh bạch, công bằng hiệu quả để các nhà thầu cùng tham gia đấu thầu rộng rãi, có như vậy mới có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Vì nếu tạo sự độc quyền sẽ nguy hiểm đến sản phẩm, kinh tế của một đơn vị cũng như dễ gây thất thoát ngân sách nhà nước”, đại diện một doanh nghiệp muốn tham gia gói thầu nói thêm.
Cũng theo những doanh nghiệp này, năm 2022 gói thầu đã được đưa ra mời thầu nhưng vướng mắc nhiều vấn đề phát sinh nên cuối cùng huỷ thầu và đến nay tái đấu thầu.
Trước thực trạng trên đa số các nhà thầu mong muốn phía nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 khi đưa ra gói thầu phải công bằng để tất cả những đơn vị có năng lực có cơ hội trúng thầu gói thầu nêu trên.
HẢI SƠN