UBND xã Xuân An (nay thị trấn Xuân An) thu tiền mua đất của dân đã 30 năm, đến nay UBND huyện Nghi Xuân quyết định hoàn trả lại như cũ.
Diễn biến vụ việc
Sau khi tái lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1991, tỉnh kêu gọi người dân về xây dựng quê, tạo điều kiện bán cho mỗi người 1 lô đất. Trong thời điểm này xã Xuân An chuẩn bị lên thị trấn có chủ trương bán đất cho người dân trong xã và trong huyện trên đường Quốc lộ 1A và Quốc lộ 8B (đoạn từ ngã ba Gia Lách đến nhà thờ Gia Hòa), đã được quy hoạch thành khu dân cư, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Quốc Ban ký vào thời kỳ năm 1992-1994. Vì vậy, trên địa bàn xã Xuân An lúc đó có hàng trăm hộ dân được mua đất ở.
Ngày 11/10/1993, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1217/QĐ-UBND đình chỉ xây dựng nhà ở, kiot trên đất chưa quy hoạch. Trong đó có 55 hộ dọc đường Quốc lộ 1A và 18 hộ khu vực từ ngã ba Gia Lách đến nhà thờ Gia Hòa đã nộp tiền mua đất, nhiều hộ có biên bản giao đất xây dựng nhà ở. Các hộ này không đồng tình với Quyết định đình chỉ của UBND tỉnh Hà Tĩnh, lý do đưa ra đình chỉ là không đúng với thực tế, nên nhiều người viết đơn khiếu nại. Người dân trực tiếp gặp lãnh đạo tỉnh yêu cầu giải quyết thấu tình đạt lý, đúng với pháp luật.
Ngày 04/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 2188/QĐ-UBND thanh tra xác minh về việc thu tiền cấp đất 55 hộ dân. Đến 5 năm sau, ngày 27/5/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành Kết luận thanh tra số 152/KL-UBND xác minh thu tiền cấp đất cho các hộ dân giai đoạn 1992-1994 dọc hai bên đường Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy 1.
Sau khi có Kết luận thanh tra số 152/KL-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhiều người dân đã nộp tiền mua đất đoạn từ ngã ba Gia Lách đến nhà thờ Gia Hòa thắc mắc, nộp tiền cùng thời điểm, nhưng không được tỉnh thanh tra, xem xét giải quyết, nên họ lại viết đơn liên tục khiếu kiện.
Theo Kết luận 152/KL-UBND của UBND tỉnh, cuối năm 2020 UBND tỉnh Hà Tĩnh lấy ngân sách trả tiền cho 55 hộ mua đất dọc đường Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy 1. Cụ thể đợt thứ nhất chi trả cho 29 hộ, với số tiền 16 tỉ 305 triệu đồng (trong đó hoàn trả tiền đất 16 tỉ 169 triệu đồng và 136 triệu đồng hỗ trợ tái sản xuất). Hoàn trả đợt 2 cho 26 hộ, trong đó trả tiền đất cho 17 hộ, số tiền 8 tỉ 288 triệu đồng, 9 hộ hoàn trả tiền tài sản trên đất số tiền là 163 triệu đồng; tổng số tiền hoàn trả cho 55 hộ là gần 25 tỉ đồng.
18 hộ mua đất từ ngã ba Gia Lách đến nhà thời Gia Hòa thấy bất bình, cho rằng việc trả này không khách quan, không đúng quy định vì 55 hộ này mua đất vi phạm quy hoach, vi phạm chỉ giới an toàn giao thông, vi phạm quy tắc xây dựng, được tỉnh lấy tiền ngân sách đền bù. Còn 18 hộ không vi phạm cùng nộp tiền 1 thời điểm nhưng không được đền bù. Họ cho rằng bị đối xử không công bằng. Do đó họ đã gặp lãnh đạo huyện Nghi Xuân đề nghị giải trình thắc mắc, gửi đơn tố cáo lên các cấp các ngành từ tỉnh đến Trung ương.
Ngày 29/6/2022, UBND huyện Nghi Xuân ra Kết luận số 1196/KL-UBND Kết luận thanh tra về việc thu tiền sai quy định tại xã Xuân An giai đoạn 1992-1994. 18 hộ dân chưa được trả tiền không đồng tình và phản đối Kết luận thanh tra của UBND huyện Nghi Xuân. Kết luận cho rằng không có quy hoạch sử dụng đất, không có luận chứng kinh tế kỹ thuật, không có thiết kế mặt bằng sử dụng đất, không có văn bản của cấp ủy, HĐND, UBND. Do đó, các hộ không được đền bù.
Không đồng tình với kết luận này, người dân cho rằng họ đã làm đơn xin mua đất, Hội đồng cấp đất của xã xét duyệt, UBND xã thông báo nộp tiền, và người dân nộp đầy đủ. Như vậy trách nhiệm của người dân đã hoàn thành việc mua đất, còn các nội dung khác thuộc trách nhiệm, quyền hạn, chính quyền các cấp.
Ông Lê Năng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Xuân An thời kỳ 1990 đến 1997 cho biết: “Việc cấp đất thu tiền thời kỳ 1992-1994 xã Xuân An đều thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Ban ký phê duyệt và có các văn bản hướng dẫn của UBND huyện Nghi Xuân. Có đủ hồ sơ xã mới tiến hành xét duyệt, thông qua Hội đồng cấp đất của xã, niêm yết công khai tại Trụ sở UBND xã những hộ đủ tiêu chuẩn mua, lúc đó UBND xã mới thông báo cho các hộ nộp tiền, không phải như Kết luận số 1196/KL/UBND ngày 29/6/2022 của UBND huyện Nghi Xuân”.
Kết luận UBND xã Xuân An thu tiền trái quy định, do vậy trách nhiệm xử lý thuộc UBND xã Xuân An nay là thị trấn Xuân An. UBND xã Xuân An là 1 cấp Nhà nước, UBND huyện Nghi Xuân trực tiếp quản lý, sai phạm này có trách nhiệm rất lớn của UBND huyện Nghi Xuân. Thực hiện theo khoản 8, Điều 65 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: “Những khoản thu ngân sách nhà nước không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đã nộp; những khoản thu ngân sách nhà nước nhưng chưa thu phải được truy thu đầy đủ cho ngân sách; những khoản chi ngân sách nhà nước không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách”. UBND huyện Nghi Xuân áp dụng điều luật này để hoàn trả lại tiền cho 18 hộ dân là không đúng.
Vì vậy, 18 hộ dân đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân trả lời làm rõ việc theo vị trí quy hoạch thời điểm từ năm 1992-1994 số tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.500.000 đồng mua được 120m2 đất (dài 20m x rộng 6m), nay với số tiền trên không mua nổi 1m2 đất, thiệt hại này ai chịu trách nhiệm? Trong khi đó, 55 hộ đã được đền bù thì giá cả hoàn toàn khác.
Theo khoản 1 Điều 5 Quyết định 936 của UBND tỉnh thì 55 hộ này chỉ có 9 hộ có hộ khẩu tại địa phương đủ điều kiện được mua đất, còn lại 17 hộ có hộ khẩu tại Nghệ An, 20 hộ, hộ khẩu ở địa phương khác trong tỉnh không đủ điều kiện được mua đất. Điều đáng nói 55 hộ này đã có nhà ở.
Theo 18 hộ dân UBND xã Xuân An (nay thị trấn Xuân An), UBND huyện Nghi Xuân gây thiệt hại kinh tế của họ 30 năm qua. Dẫn chứng vào thời điểm năm 1992 đến năm 1994 trên tuyến đường Quốc lộ 1A chạy qua thị trấn Xuân An, hoặc Quốc lộ 8B đi qua thị trấn Xuân An 5 triệu đồng mua được 2 lô đất, 2 triệu đến 3 triệu mua được 1 lô đất rất đẹp. Mỗi lô đất đến nay bán rẻ cũng được 4 tỉ đến 5 tỉ đồng. Do đó 18 hộ yêu cầu UBND huyện Nghi Xuân áp dụng các điều luật để bồi thường thiệt hại trong 30 năm qua, UBND xã Xuân An bán đất cho dân, nhưng không thực hiện. Cụ thể áp dụng Điều 13 Bộ luật Dân năm 2015: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm thì được bồi thường toàn bộ thiệt hại”. Cách tính bồi thường áp dụng khoản 4, Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước: “Trường hợp các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để đảm bảo theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phải hoàn trả các khoản tiền đó và khoản lãi cho người bị thiệt hại”. Như vậy, 18 hộ trên phải được tính tiền đền bù thiệt hại trong 30 năm qua trên diện tích đã nộp tiền tương ứng với số tiền đã nộp theo giá thời điểm đền bù khi không có đất trả cho các hộ.
Việc 18 hộ dân không đồng ý cách giải quyết vụ việc và về xử lý kinh tế như Kết luận 1196/KL-UBND của UBND huyện Nghi Xuân do chưa đúng với pháp luật là có cơ sở. Hy vọng UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét vụ việc một cách khách quan, công bằng. Đặc biệt, thực hiện bồi thường thiệt hại cho 18 hộ trên đúng pháp luật, đúng quy định của nhà nước, làm rõ cách tính đền bù khác nhau giữa 55 hộ và 18 hộ. Đây là một vụ việc dân khiếu kiện lâu năm, cần sớm được giải quyết dứt điểm.
HẢI HƯNG
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hoàn thiện quy định về hòa giải tranh chấp đất đai