/ Tin tức
/ Hà Tĩnh: Xuất hiện tình trạng nổ 'pháo lậu' đêm Giao thừa

Hà Tĩnh: Xuất hiện tình trạng nổ 'pháo lậu' đêm Giao thừa

10/02/2024 17:13 |

(LSVN) - Việc mua bán, sử dụng pháo hoa của Bộ Quốc phòng phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, những ngày cận Tết Nguyên đán cũng là lúc các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vũ khí, vật liệu nổ lại có chiều hướng gia tăng. Tại một số địa phương ở Hà Tĩnh vẫn xuất hiện tình trạng nổ “pháo lậu” làm ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, tình hình trật tự an toàn xã hội.

Theo Bộ Công an, pháp luật hiện nay nghiêm cấm hành vi tàng trữ pháo trái phép. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 5, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định nghiêm cấm hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ.

Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Như vậy, nếu là cá nhân thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi mới được đốt pháo hoa của Bộ Quốc phòng.

Pháo lậu nổ tại đường Mai Lão Bang, TP. Hà Tĩnh đêm Giao thừa 2024. Ảnh: PV.

Đó là quy định về việc sử dụng pháo hoa Bộ Quốc phòng, còn đối với các loại pháo hoa, vật liệu nổ không rõ nguồn gốc (pháo lậu) thì nghiêm cấm tuyệt đối. Song, thời khắc trước và sau đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Hà Tĩnh, một số địa phương như TP. Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh hay huyện Hương Sơn vẫn xuất hiện tình trạng người dân đốt “pháo lậu” làm ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, tình hình trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, nhiều băng pháo hoa nổ không rõ nguồn gốc, mang chữ nước ngoài được người dân đốt nổ rực trời vào đêm giao thừa tại phường Bắc Hà và xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh) bất chấp lệnh cấm.

Dàn pháo có chữ nước ngoài còn sót lại sau khi sử dụng. Ảnh: PV.

Theo người dân địa phương, việc pháo nổ đêm Giao thừa không còn xa lạ với họ. Tuy nhiên, pháo nổ khắp nơi khiến người đi đường giật mình.

Việc pháo lậu nổ xen kẻ pháo hoa Bộ Quốc phòng cũng khiến việc giám sát, xử lý khó hơn cho lực lượng chức năng.

Nhiều xác pháo rải rác khắp nơi trên địa bàn TP. Hà Tĩnh. Ảnh: N.L.

Trung tá, Trương Huy Phương, Trưởng Công an phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng để giám sát việc sử dụng pháo hoa, pháo nổ trên địa bàn, đơn vị cũng đã tập huấn cho tất cả cán bộ cách nhận biết đâu là pháo hoa Bộ Quốc phòng, đâu là pháo lậu. 

Đội trưởng Đội quản lý hành chính Công an TP. Hà Tĩnh cho hay,  thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc và lãnh đạo Công an Thành phố toàn bộ lực lượng ra quân tổng lực nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nổ pháo hoa. 

Về vấn đề xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ pháo trái phép chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm e, khoản 4, Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo. Mức phạt này áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi (quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, hành vi tàng trữ pháo trái phép thì có thể bị phạt tù đến 10 năm.

Cụ thể, nếu hành vi tàng trữ pháo trái phép đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

 

Tiến Đạt