Ảnh minh họa.
Trong 10 tháng năm 2022 sản xuất nông nghiệp, các cây trồng vụ mùa giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, bà con đang tiến hành giao trồng các loại cây vụ Đông, tiến độ sản xuất tính đến ngày 15/10/2022 tổng diện tích gieo trồng ước đạt 3.375/11.524ha đạt 29,3%, trong đó diện tích ngô lấy hạt ước đạt 817/4.473ha đạt 18,3%, ngô sinh khối ước đạt 150/1.030ha đạt 14,6% kế hoạch, khoai lang ước đạt 323/1.502ha đạt 21,5% kế hoạch, rau các loại ước đạt 2.085/4.519ha đạt 46,1% kế hoạch.
Cây lâu năm vào thời điểm đang thu hoạch chính vụ như cam, bưởi. Nhưng vào thời điểm này trời mưa nhiều ảnh hưởng đến thu hoạch, thị trường tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn, giá bán thấp. Trong khi đó các loại cây như chè, cao su tiêu thụ tốt hơn tạo được nguồn thu cho người dân.
Đàn vật nuôi có dấu hiệu phục hồi sau dịch. Đàn trâu hiện có 67.554 con tăng 0,40%, đàn bò 169.250 con, giảm 0,58%, đàn lợn 382.150 con tăng 0,98%, so với cùng kỳ năm trước.
Công tác trồng rừng, khai thác lâm sản được các cấp chính quyền cũng như người dân quan tâm, diện tích trồng rừng tập trung tăng 362ha, sản lượng khai thác gỗ tăng 28.640m3 so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 10 tháng đầu năm 2022 ước tăng 1.057 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước tăng 794 tấn, sản lượng nuôi trồng ước tăng 263 tấn. Khó khăn trong nuôi trồng thủy sản chi phí sản xuất tăng mạnh, đầu tư, năng lực sản xuất hạn chế.
Sản xuất công nghiệp đến cuối tháng 10/2022 trên địa bàn Hà Tĩnh gặp khó khăn chỉ số đạt 84,38%, trong đó khai khoáng đạt 96,16%, chế biến chế tạo đạt 87,66%, nước và xử lý rác thải đạt 83,93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu, có 11 nhóm sản phẩm cộng dồn 10 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 57,89%, có 8 nhóm sản phẩm chỉ số giảm chiếm 42,11%. Một số nhóm tăng so với cùng kỳ năm trước như bê tông trộn sẵn (bê tông tươi tăng 164,57%) gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 38,25%, chè ( trà) nguyên chất tăng 37,6%, bia đóng lon tăng 17,75%, dịch vụ sản xuất tăng 17,38% , điện thương phẩm tăng 17,22% .
Do tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát nên thị trường bán lẻ, hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh. Hoạt động dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành và dịch vụ khác cơ bản ổn định. Tổng số doanh thu thương mại và dịch vụ đạt 49.907,57 tỉ đồng, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 24,21%, dịch vụ lưu trú tăng 206,80%, dịch vụ ăn uống tăng 64,26%, dịch vụ lữ hành tăng 86,39%, dịch vụ khác tăng 62,14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động vận tải trong 10 tháng năm 2022, tổng doanh thu ước đạt 4.529,32 tỉ động tăng 23,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vận tải hành khách đạt 977,02 tỉ đồng tăng 30,29%, vận tải hàng hóa đạt 2.852, 95 tỉ đồng, tăng 30,49%, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 698,60 tỉ đồng, giảm 3,25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa đến nay tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt mặt hàng thép. Tính chung kim ngạch xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến nay ước đạt 4.443,72 triệu USD, giảm 2,56% so với cùng kỳ nắm ngoái. Trong đó xuất khẩu ước đạt 1.424,2 triệu USD giảm 18,09%, nhập khẩu 3.019,5 triệu USD tăng 7,01%, nhập siêu 1.595,3 triệu USD.
Bức tranh kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đang còn nhiều khó khăn vừa qua tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị yêu cầu các địa phương, ban ngành, đơn vị bám sát các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cao nhất, để đạt và vượt chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022.
Trong những tháng còn lại trong năm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, tập trung cao thực hiện phục hồi kinh tế, thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh, tăng cường các giải pháp thu ngân sách.
HẢI HƯNG