Đền Cả và hàng loạt các nhà dịch vụ “ăn theo” nhếch nhác (hình viền màu đỏ) gây ô nhiễm môi trường.
Đền Cả, thuộc khu di tích Văn hóa phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được trùng tu, tôn tạo và đưa vào sử dụng từ năm 2015, do ông Phạm Quang Hồng làm thủ nhang. Theo phản ánh của dân địa phương, trong 7 năm qua, ông Hồng tự quản lý, tự chi tiêu tiền công đức, tiền hỗ trợ trùng tu, tiền thiện nguyện của các doanh nghiệp, mạnh thường quân nhiều tỉ đồng nhưng không nộp tiền nào vào ngân sách địa phương theo Luật Di sản Văn hóa.
Đáng nói, việc chi vượt thu hàng năm nhưng không có căn cứ cơ sở như hóa đơn, chứng từ chứng minh việc thu chi hợp pháp (ngoài chi điện nước hàng tháng), thế nhưng lãnh đạo UBND phường Trung Lương vẫn ngó lơ, không chỉ đạo, không kiểm tra, bỏ mặc thủ nhang Phạm Quang Hồng “tự tung tự tác”, khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc, nghi ngờ sự thiếu minh bạch trong việc chi tiêu sử dụng tiền công đức tại Đền Cả.
Để rộng đường dư luận, ngày 28/3/2023, phóng viên đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND phường Trung Lương Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng Ban quản lý Đền Cả). Trả lời câu hỏi về việc tổng số tiền công đức thu tại Đền Cả từ năm 2015 đến nay là bao nhiêu, ai quản lý, chi tiêu như thế nào theo Thông tư số 04 ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính, bà Hạnh cho biết: Tổng số tiền công đức hàng năm do thủ nhang Phạm Quang Hồng quản lý, sử dụng. Bà Hạnh đưa ra tờ quyết định bổ nhiệm thủ nhang Đền Cả do Chủ tịch UBND phường Trung Lương Nguyễn Duy Đăng ký ngày 28/7/2016.
Quyết định kiện toàn Ban Quản lý di tích Đền Cả quy định Ban Quản lý thực hiện chế độ thu, chi, quản lý tài chính đúng quy định… nhưng chính quyền địa phương không thực hiện “vè vòng đẫm lên vòng”.
Như vậy, theo quyết định này thì ông Phạm Quang Hồng, thành viên Ban Quản lý di tích Đền Cả làm thủ nhang (không quy định làm thủ nhang bao nhiêu năm - PV) và có nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ các di sản văn hóa vật thể nằm trong khu vực Đền Cả. Ông Hồng không được giao quản lý, sử dụng, chi tiêu tiền công đức. Trong khi quyết định kiện toàn Ban Quản lý di tích Đền Cả ngày 28/7/2016, thủ nhang Phạm Quang Hồng là thành viên được giao nhiệm vụ phụ trách văn hóa tâm linh. Nhưng từ năm 2019 đến nay, không hiểu vì sao từ thành viên Ban Quản lý, thủ nhang Phạm Quang Hồng được phân công làm Phó Ban trực, Ban Quản lý Đền Cả?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trích phần trăm tiền công đức nộp vào ngân sách địa phương theo Luật Di sản Văn hóa và Thông tư số 04 của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Hạnh đưa ra 5 tờ biên bản mở hòm công đức Đền Cả gồm: 6 tháng năm 2020, năm 2021 và năm 2022, tổng cộng hơn bốn trăm năm mươi triệu đồng. Kỳ lạ, cả 5 tờ biên bản có từ năm 2020 đến nay, đã hơn 3 năm nhưng cả 5 tờ biên bản vẫn mới như vừa lập xong. Nghi là dạng biên bản đối phó với báo chí, phóng viên đã đề nghị bà Hạnh cung cấp các biên bản mở hòm công đức từ các năm trước đó. Bà Hạnh cho biết các biên bản mở hòm công đức từ giữa năm 2020 đến nay được tiến hành từ khi bà Hạnh đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND phường Trung Lương, còn những năm trước đó bà Hạnh không có số liệu.
Trả lời hiện tổng số tiền công đức hơn bốn trăm năm mươi triệu đồng còn bao nhiêu, ai quản lý, bà Hạnh lý giải: Năm 2021 tiền công đức thu gần 100 triệu đồng nhưng đã chi hơn 166 triệu đồng, năm 2022 tổng thu gần 300 triệu đồng, chi hơn 305 triệu đồng. Do thu không đủ chi đồng nghĩa với việc không còn tiền dư nộp vào ngân sách địa phương?!
Khi phóng viên đề nghị cung cấp các chứng từ để chứng minh việc “thu không đủ chi”, bà Hạnh thống kê bằng miệng các khoản chi như: Chi tiền sử dụng điện nước khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, chi tiền thu gom rác mỗi năm 15 triệu đồng, tiền hỗ trợ người dân địa phương giúp việc trong Đền Cả mỗi người từ 1,3-1,5 triệu đồng/tháng, tiền mua hương, hoa quả... Tuy nhiên tất cả cũng chỉ lý giải bằng miệng không có căn cứ pháp lý, không chứng từ, không sổ sách, trong khi tại Điều 2, Quyết định kiện toàn Ban Quản lý Đền Cả từ năm 2016 đến năm 2021 đều quy định: “Ban Quản lý di tích Đền Cả phải thực hiện chế độ thu, chi, quản lý tài chính đúng quy định”… Nhưng văn bản chỉ là văn bản?!
Biên bản mở hòm công đức Đền Cả làm thể hiện rất sơ sài, sai quy định, mang tính đối phó…
Có mặt tại Đền Cả, phóng viên được có một nhóm người là nữ giới khoảng 50-60 tuổi cho biết, gần chục năm nay họ tự nguyện đến đây làm việc thiện, không đòi hỏi, không nhận tiền hỗ trợ của Ban Quản lý Đền Cả. Trao đổi qua điện thoại, một vị đại diện Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị thị xã Hồng Lĩnh cho biết Công ty này không thu tiền thu gom rác thải Đền Cả, vì việc đó của HTX dịch vụ Quỳnh Lương, Phường Trung Lương chứ không phải việc của Công ty.
Điều 14, Thông tư số 04 ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thu chi tài chính trong công tác tổ chức lề hội và tiền công đức như sau:
“a) Ban Quản lý mở tài khoản, mở sổ sách, mở sổ kế toán để ghi chép đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị;
b) Hằng năm, thực hiện lập dự toán và báo cáo quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định, trình Trưởng ban Ban quản lý di tích phê duyệt; gửi cơ quan tài chính và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp trên để phục vụ cho công tác quản lý và giám sát thực hiện”.
Quy định là vậy, nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương ở đây quá mờ nhạt, nhất là trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra, chỉ đạo, sử dụng tiền công đức Đền Cả. Ngoài Chủ tịch UBND phường Trung Lương Nguyễn Công Lộc còn có 2 vị Phó Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Hạnh, phụ trách văn hóa xã hội, Trưởng Ban Quản lý Di tích Đền Cả; ông Nguyễn Ngọc Luân, phụ trách kinh tế (năm 2020 là Trưởng Ban Quản lý), chức năng, nhiệm vụ được phân công cụ thể nhưng lại buông lỏng quản lý Nhà nước tại Đền Cả không những trong việc quản lý, sử dụng, chi tiêu tiền công đức mà còn cả tiền hỗ trợ trùng tu của UBND tỉnh, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền nhiều tỉ đồng; chi tiêu không chứng từ sổ sách.
Trang trại trồng hoa quả kết hợp chăn nuôi gia cầm không phép của ông Phạm Quang Hồng với hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại vùng ngoài đê La Giang từ năm 2019 đến nay vẫn tồn tại, bất chấp chỉ đạo buộc phải tháo dỡ của UBND thị xã Hồng Lĩnh.
Không những vi phạm trong sử dụng, chi tiêu tiền công đức, UBND phường Trung Lương lấy hàng chục nghìn mét vuông đất trồng lúa, hoa màu của các hộ dân canh tác vùng ngoài đê La Giang, giao cho ông Phạm Quang Hồng làm chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả từ năm 2019. Tại báo cáo số 15, ngày 28/02/2023, về việc xử lý đất đai trên địa bàn theo chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Công Lộc, Chủ tịch UBND phường Trung Lương thừa nhận Trang trại của ông Phạm Quang Hồng chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Đáng nói, Thị ủy, UBND thị xã Hồng Lĩnh nhiều lần yêu cầu UBND phường Trung Lương làm việc với ông Phạm Quang Hồng để yêu cầu thực hiện việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng không hiểu vì sao đã hơn 1 năm qua, UBND phường Trung Lương vẫn để mô hình không phép tồn tại.
Hy vọng Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng, kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân nếu vi phạm pháp luật.
HỮU TRỌNG - TRẦN DŨNG