Trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành Khu kinh tế đa chức năng, phát triển dịch vụ cảng biển và logistics trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh.
Hiện nay, Khu kinh tế Vũng Áng có 84 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, 57 dự án đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm trên 20.000 lao động.
Khu kinh tế Vũng Áng là một động lực phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, hàng năm đã đóng góp trên 56% tổng thu ngân sách tỉnh nhà, trên 95% số thu xuất nhập khẩu và chiếm 90% giá trị sản xuất công nghiệp trong tỉnh.
Để phát huy thế mạnh ít nơi nào có được, ngày 08/4/2021 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1734/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, tỉ lệ 1/500. Quy hoạch Trung tâm logistics có diện tích hơn 133ha tại xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) với 06 khu chức năng gồm: Khu kho logistics, khu quản lý điều hành, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ phụ trợ, khu nhà dịch vụ lưu trú chuyên gia, khách hàng và dịch vụ thiết yếu, giao thông, bãi đậu xe, khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng được quy hoạch là Trung tâm logistics hạng I, phục vụ các hoạt động logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Đây là điểm tập kết hàng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình vận chuyển đến cảng Hải Phòng, bằng đường biển, vận chuyển trực tiếp đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như: Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, vận chuyển bằng đường bộ Quốc lộ 8, Quốc lộ 12C đến Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Cảng Vũng Áng khi hoàn thành sẽ có 17 bến, trong đó 11 bến cảng tổng hợp, container, 06 bến chuyên dùng nhập than và xuất, nhập khẩu xăng dầu, cảng Sơn Dương xây dựng hoàn thiện có 51 bến chuyên dùng, trong đó 32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến tổng hợp, 06 bến chuyên dụng. Hà Tĩnh đang tập trung huy động nguồn lực xây dựng phát triển cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, đầu tư hạ tầng cảng Lào - Việt, Hoành Sơn, Vingroup.
Chiều ngày 14/01/2021 tại TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ký “Biên bản ghi nhớ” hợp tác về khảo sát, đầu tư khai thác, phát triển cảng biển và Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh.
Tân Cảng Sài Gòn đã mở tuyến vận tải biển Hồ Chí Minh - Vũng Áng - Hải Phòng, đồng thời truyền thông điệp thu hút đầu tư đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics về địa bàn tiềm năng như Hà Tĩnh. Kết nối với hệ sinh thái cảng biển ICD (cảng cạn, cảng khô, cảng nội địa) kho bãi, dịch vụ logistics hiện sở hữu của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn mang lại cho khách hàng trên địa bàn Hà Tĩnh, khu vực Bắc Trung Bộ, nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Từ đầu tháng 4/2021 đến nay cảng Vũng Áng đã đón 13 chuyến tàu container cập bến. Đó là các chuyến tàu Tân Cảng Pioneer thuộc Công ty Cổ phần Vận tải biển Tân Cảng đến xuất/ nhập hàng container đi cảng Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. 13 chuyến tàu có tổng khối lượng là 459 TEU, bao gồm các mặt hàng thiết bị của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và gỗ ép của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt.
Để thu hút duy trì tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ các hãng tàu và doanh nghiệp. Cụ thể, hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 02 chuyến cập cảng mỗi tháng được hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến vào, ra cảng. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng được hỗ trợ 700.000 đồng/container (đối với container 20feet) 01 triệu đồng/ container (đối với container 40feet trở lên).
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến làm ăn tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh đang tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hải quan đang đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý vào công tác nghiệp vụ chuyên môn. Tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp cam kết hội nhập quốc tế, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị chức năng để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, tất cả tàu biển đến cảng Vũng Áng - Sơn Dương đều thực hiện thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc tiếp nhận, trả kết quả, thanh toán phí, lệ phí đều thực hiện thông qua mạng, thực hiện dịch vụ công mức độ 4.
Hà Tĩnh đang tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về logistics, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.
Hà Tĩnh sẽ đưa Khu kinh tế Vũng Áng trở thành Trung tâm logistics mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
HẢI HƯNG
Thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô Hà Nội: Không thực tế và thiếu tính khả thi