(LSVN) - Việc Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở năm 2021 dẫn đến một số đối tượng không được tăng lương hay các chế độ khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có trường hợp mà người lao động được hưởng lợi.
Không tăng tiền đóng Bảo hiểm y tế hộ gia đình, giữ nguyên quyền lợi
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế 2008, các thành viên tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính thì:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Đây là những đối tượng mà thu nhập hàng tháng không bị tác động trực tiếp bởi lương cơ sở, tuy nhiên, khi tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì số tiền Bảo hiểm y tế sẽ tăng giảm theo lương cơ sở.
Cụ thể, nếu theo thông lệ hàng năm, lương cơ sở tăng thì năm 2021 số tiền đóng BHYT sẽ tăng. Tuy nhiên, với việc dự kiến giữ nguyên mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thì đối tượng này sẽ không phải tăng tiền đóng mà vẫn giữ nguyên quyền lợi.
Quyền lợi khi có Bảo hiểm y tế 05 năm liên tục
Theo điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế thì người lao động có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến) sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, khi lương cơ sở tăng thì để được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của Bảo hiểm y tế thì số tiền cùng chi trả sẽ phải lớn so với trước khi tăng lương cơ sở.
Ví dụ, hiện nay lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng, để được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế 05 năm liên tục thì số tiền cùng chi trả phải lớn hơn 8.940.000 đồng.
Nếu tăng lương cơ sở lên 1.600.000 đồng/tháng, để được hưởng chế chế độ BHYT 05 năm liên tục thì số tiền cùng chi trả phải lớn hơn 9.600.000 đồng.
NGỌC ANH