/ Pháp luật - Đời sống
/ Hải Phòng: Ba dấu hiệu thiếu thuyết phục của Quyết định 2721

Hải Phòng: Ba dấu hiệu thiếu thuyết phục của Quyết định 2721

13/12/2023 08:40 |

(LSVN) - Thời điểm ban hành, quy trình thẩm định và căn cứ xác định thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiến độ Dự án EIE của Quyết định 2721/QĐ-UBND ngày 25/8/2022 của UBND thành phố Hải Phòng là khó thuyết phục và đáng quan tâm.

Toàn cảnh Dự án EIE tại Khu Đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Thời điểm ban hành: Tước quyền được biết của doanh nghiệp

Ngày 19/4/2022, Công ty EIE có Văn bản số 195/CV-EIE báo cáo và đề nghị UBND thành phố tiếp tục gia hạn Dự án EIE do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: “… trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Điều 156 Bộ luật Dân sự quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP liệt kê 4 trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, trong đó có: “b) Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh”.

Các quy định trên đây cho thấy đề nghị tiếp tục gia hạn của Công ty EIE là chính đáng và có căn cứ.

Tuy nhiên, phải sau hơn 4 tháng, vào ngày 24/8/2022, EIE mới nhận được Quyết định số 2721 ngày 22/8/2022 của UBND thành phố, với nội dung: Giãn thời gian sử dụng đất cho Công ty EIE 4 tháng (từ ngày 04/6/2022 đến 04/10/2022).

Như vậy, khi Công ty EIE nhận được Quyết định 2721 thì thời gian thực hiện chỉ còn có 1 tháng 12 ngày; tước bỏ 3 tháng quyền được biết nội dung Quyết định 2721 của doanh nghiệp theo quy định.

Sự không hợp lý này là do Quyết định 2721 đã không hợp lý ở thời điểm ban hành, đáng lẽ phải trước thời điểm tính gia hạn (04/6/2022) thì lại chậm sau gần 3 tháng.

Câu hỏi đặt ra là do EIE đề nghị chậm hay vì lý do khác?

Căn cứ vào quá trình hình thành Quyết định 2721, sau khi không chấp nhận kết quả xác định thời gian tiếp tục gia hạn của 2 Đoàn liên ngành (24 tháng và 21 tháng), ngày 15/8/2022, Bí thư Ban cán sự đảng - Chủ tịch UBND thành phố đã triệu tập cuộc họp nghe báo cáo và “giao Sở TN&MT căn cứ quy định của pháp luật chứng minh, xác định cụ thể thời gian, mức độ ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng (Covid-19) đề xuất UBND thành phố xác định thời gian không tính vào thời gian gia hạn 24 tháng”.

Ngày 16/8/2022, tức là chỉ sau 1 ngày, Sở TN&MT đã có ngay Tờ trình 432/TTr-STNMT đề xuất gia hạn 4 tháng. Nội dung đề xuất không hề căn cứ vào kết quả kiểm tra và thống nhất xác định của 2 Đoàn liên ngành, mà chỉ căn cứ vào 1 nội dung trong rất nhiều nội dung báo cáo của Công ty EIE để xác định dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến tiến độ Dự án EIE có 4 tháng.

Tờ trình của Sở TN&MT được UBND thành phố chấp nhận và ban hành Quyết định 2721, giãn gia hạn 4 tháng cho Dự án EIE.

Như vậy, chỉ trong vòng 11 ngày, kể từ ngày giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành được Quyết định 2721. Trong khi văn bản đề nghị của EIE gửi thành phố trước gần 2 tháng ngày hết hạn (ngày 04/6/2022).

Thực tế đó cho thấy việc chậm ban hành Quyết định 2721 tới gần 2 tháng 21 ngày so với thời điểm bắt đầu tính gia hạn hoàn toàn không phải do lỗi của EIE. Quyết định 2721 do đó đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty EIE.

Việc EIE cho rằng, Quyết định 2721 không mang bản chất tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án mà mang ý chí “bức tử” Dự án EIE là cần được xem xét.

Lập ra “quy trình xác định” rồi “bẻ gãy” kết quả

Hậu quả của dịch Covid-19 là chưa từng có đối với nền kinh tế ở nước ta. Việc xác định ảnh hưởng của dịch tới tiến độ dự án có thể nói là lần đầu tiên được áp dụng trên 63 tỉnh thành, thách thức tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Nhiều địa phương đã căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ TN&MT để ra văn bản chỉ đạo: xác định thời gian ảnh hưởng của dịch trên địa bàn và quy trình áp dụng.

Thực tế Hải Phòng lại theo một “quy trình” riêng có.

Sau khi nhận được đề nghị của EIE, UBND thành phố giao Sở TN&MT chủ trì cùng Sở KH&ĐT và Sở Xây dựng xem xét.

Tại Biên bản kiểm tra việc chấp hành pháp luật của EIE ngày 17/5/2022, Liên sở TN&MT-KH&ĐT-Xây dựng-UBND quận Ngô Quyền - UBND phường Đằng Giang thống nhất đề nghị Sở TN&MT báo cáo UBND thành phố cho phép EIE được gia hạn thêm 24 tháng.

Theo đó, ngày 20/5/2022, Sở TN&MT có Văn bản 1826/STNMT-CCQLĐĐ đề nghị UBND thành phố gia hạn thêm 24 tháng.

Hơn 1 tháng sau, ngày 22/6/2022, UBND thành phố lại có Văn bản 412/UBND-ĐC2 giao: “Sở Tư pháp chủ trì cùng cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét đề nghị của Sở TN&MT; đề xuất, báo cáo UBND thành phố”.

Ngày 29/6/2022, Sở Tư pháp có Văn bản báo cáo và đề nghị: “UBND thành phố chỉ đạo Sở TN&MT rà soát, làm rõ căn cứ pháp lý của việc đề nghị gia hạn 24 tháng”.

UBND thành phố lại có Văn bản chỉ đạo Sở TN&MT và sở này lại chủ trì cùng Sở Xây dựng- KH&ĐT- Tư pháp- Y tế -UBND quận Ngô Quyền-UBND phường Đằng Giang “nghiên cứu, chứng minh, xác định thời gian, mức độ ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng (dịch Covid-19) đến tiến độ dự án”.

Biên bản Liên ngành (lần này có thêm Sở Tư pháp và Sở Y tế) lại được lập và vẫn “quy trình”: thống nhất đề nghị Sở TN&MT báo cáo UBND Thành phố cho phép EIE được gia hạn thêm 21 tháng.

Đến đây, “quy trình” đột nhiên bị bẻ gãy, Sở TN&MT đã không làm Tờ trình báo cáo kết quả Liên ngành thống nhất như lần trước.

Ngày 15/8/2022, bằng một cuộc họp nghe báo cáo, Bí thư Ban cán sự - Chủ tịch UBND thành phố đã kết luận và được UBND thành phố “văn bản hóa” tại Thông báo 460/TB-UBND truyền đạt nội dung kết luận: “giao Sở TN&MT căn cứ quy định của pháp luật xác định cụ thể thời gian, mức độ ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng (Covid-19) đề xuất UBND thành phố xác định thời gian giãn tiến độ không tính vào thời gian gia hạn 24 tháng”.

Chỉ đạo trên đây đã cho phép Sở TN&MT tự xác minh, kết luận, bỏ qua kết quả gia hạn thêm 21 tháng mà Liên ngành đã đề xuất.

Quyết định 2721/QĐ-UBND của UBND thành phố Hải Phòng, gia hạn cho Dự án EIE giai đoạn 2 được tiếp tục sử dụng đất 4 tháng, kể từ ngày 04/6/2022 nhưng lại ký ban hành ngày 22/8/2022, dù đóng dấu "hỏa tốc" cũng 2 ngày sau mới tới Công tý EIE.

Một ngày sau, Sở TN&MT có Tờ trình xác định ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới Dự án EIE chỉ 4 tháng.
Ngày 25/8/2022, UBND thành phố ra Quyết định 2721 gia hạn thêm 4 tháng cho Dự án EIE.

Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, kết quả xác minh, đề xuất của cả 2 Đoàn Liên ngành đã không được công nhận; ngược lại, còn làm kéo dài quá trình giải quyết đề nghị hợp pháp của Công ty EIE hơn 4 tháng.

Căn cứ xác định “sự kiện bất khả kháng” của Sở TN&MT thiếu thuyết phục

Tại Tờ trình 432/TTr-STNMT, Sở TN&MT đã lập luận như sau: “căn cứ vào báo cáo của Công ty EIE thể hiện tại Văn bản số 244/CV-EIE ngày 3/8/2022: Tháng 4/2021 Công ty Archetype của Pháp mới ký Hợp đồng tư vấn thiết kế kiến trúc và quy hoạch tổng mặt bằng với Công ty EIE.” Theo Hợp đồng thì thời gian thực hiện tối đa là 15 tuần. Do tại Pháp kiến trúc sư bị áp dụng lệnh giãn cách lần 3 từ ngày 02/4/2021 đến ngày 02/5/2021 nên Công ty Archetype đã xin dừng Hợp đồng và bàn giao lại cho Công ty So Asia (Nhật) tiếp tục thực hiện. Do đó đến tháng 12/2021, Công ty EIE mới hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch kiến trúc gửi Sở Xây dựng. Từ căn cứ này, Sở TN&MT xác định thời gian dịch ảnh hưởng trực tiếp tới Dự án EIE là 4 tháng.

Tại Biên bản kiểm tra ngày 25/7/2022, Liên ngành TN&MT-KH&ĐT-Tư pháp-Xây dựng-Y tế-UBND quận Ngô Quyền - UBND phường Đằng Giang thống nhất xác định: “Căn cứ vào các văn bản chỉ thị của Chính phủ, chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận Dương Kinh, theo đó, trong khoảng thời gian (gia hạn) từ 04/6/2020 đến 04/6/2022 có 21 tháng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến tiến độ xây dựng các hạng mục công trình Dự án EIE”.

Như vậy, theo cách tính của Sở TN&MT, dịch Covid-19 chỉ ảnh hưởng có 4 tháng, 17 tháng còn lại là không hề ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty EIE cho dù dịch bùng phát và tất cả phải triệt để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch lây lan.

“Lượng hóa” như Sở TN&MT là không thuyết phục. Bởi chỉ xét riêng nội dung “lượng hóa” 4 tháng đã thấy ngay “lỗ lổng”. Đó là Sở này chỉ căn cứ thỏa thuận về thời gian thực hiện hợp đồng để tính ra thời gian bị kéo dài 4 tháng là do dịch Covid-19 bên Pháp. Trong khi đó, dịch cũng bùng phát ở Việt Nam, EIE phải rất khó khăn mới chọn được đối tác. Thực tế, có tới 5 công ty nộp hồ sơ tham gia thi tuyển Phương án kiến trúc và EIE đều phải tiến hành đàm phán trong dịch bệnh với từng đối tác để thống nhất phương án, quy mô, công năng… Cũng trong dịch bệnh, EIE tổ chức thi tuyển Phương án kiến trúc từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020 (6 tháng); tổ chức ký kết hợp đồng thiết kế ý tưởng (Concept) phương án kiến trúc được chọn và quy hoạch tổng mặt bằng từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 (13 tháng). Vì thế, EIE mới báo cáo: “Tháng 4/2021 Công ty Archetype của Pháp mới ký Hợp đồng tư vấn”. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với Dự án EIE trước thời điểm ký hợp đồng rõ ràng đã bị bỏ qua.
Ở một khía cạnh đáng quan tâm khác, đó là cách áp dụng “sự kiện bất khả kháng” của Hải Phòng khác với các địa phương khác.

Chỉ xin nêu một ví dụ, tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 2198/UBND-TNMT ngày 17/7/2023 quy định: “Thống nhất xác định dịch Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng, thời gian ảnh hưởng tính từ ngày 23/01/2020 (ngày công bố dịch Covid-19 theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng) đến ngày 11/10/2021 (ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19) là 21 tháng, không tính vào thời gian các dự án được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.”. Tương tự, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 18 tháng.

Diễn biến vụ việc đang cho thấy, Quyết định 2721 đang thể hiện một quy trình “bất đồng hành” trước đề nghị hợp pháp của doanh nghiệp, rất cần được cấp có thẩm quyền vào cuộc làm rõ đúng, sai.

PV

Hải Phòng: Cần minh bạch vụ thu hồi đất dự án của Công ty EIE

Bùi Thị Thanh Loan