/ Kết nối
/ Hải Phòng: Cụm di tích nhà Mạc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Hải Phòng: Cụm di tích nhà Mạc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

20/04/2025 07:17 |20 ngày trước

(LSVN) - Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) vừa đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 19/4, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Kiến Hưng, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh.

Dự buổi lễ về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có: Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành.

Về phía TP. Hải Phòng có: Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến; Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Phạm Văn Lập; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo, nhân dân huyện Kiến Thụy và đông đảo du khách trong và ngoài TP. Hải Phòng.

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại thôn Đương Thắng, xã Kiến Hưng, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng.

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại thôn Đương Thắng, xã Kiến Hưng, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng.

Theo sử sách, Vương triều Mạc do Thái tổ Mạc Đăng Dung (1483-1541), người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là xã Kiến Hưng, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) sáng lập.

Vương triều Mạc tồn tại từ năm 1527 đến năm 1592, trải qua 65 năm với 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592). Dù chỉ trị vì trong một khoảng thời gian không dài so với các triều đại phong kiến khác, song nhà Mạc đã ghi dấu ấn rõ nét trong lịch sử dân tộc bằng những cải cách về kinh tế, hành chính, giáo dục, đề cao nhân tài làm cho đời sống nhân dân no đủ và xã hội ổn định.  

Đặc biệt, nhà Mạc rất chú trọng tới việc thi cử để tuyển chọn nhân tài. Triều Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sĩ, tuyển chọn được 13 trạng nguyên. Trong đó có rất nhiều nhân tài kiệt xuất như: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Giáp Hải, Phạm Trấn, Vũ Giới…và Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử Nho giáo Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Dưới thời nhà Mạc, Dương Kinh - quê hương của vua Mạc Đăng Dung, vị vua khai sáng Vương triều Mạc được xây dựng trở thành đô thị ven biển đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và là kinh đô thứ 2 sau kinh thành Thăng Long. Điều đó đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế của nhà Mạc. Dương Kinh xưa với nhiều di tích, di sản, bảo vật quốc gia, công trình văn hóa thời Mạc vẫn tồn tại đến ngày nay.

Tiêu biểu là Cụm Di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy) gồm: Đền - Chùa Hòa Liễu được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1993; Từ đường họ Mạc được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia năm 2002; Chùa Trà Phương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2007; Chùa Nhân Trai được xếp hạng Di tích cấp thành phố năm 2003; Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố năm 2016.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng và huyện Kiến Thụy thực hiện nghi lễ dâng dương các vị vua nhà Mạc.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng và huyện Kiến Thụy thực hiện nghi lễ dâng dương các vị vua nhà Mạc.

Cụm 5 Di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh là tổng hòa của nhiều yếu tố về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Tại đây hiện đang lưu giữ những bảo vật quốc gia: thanh Định Nam Đao, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, bức phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng các văn bia mang tính độc bản và những Lễ hội văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc, điển hình là Lễ hội Minh thề (thề không tham nhũng) độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Lưu Đức Thụy phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Lưu Đức Thụy phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Lưu Văn Thụy nhấn mạnh, Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh là một trong 5 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) tại Quyết định số 152/QĐ-TTg; đây là sự kiện quan trọng, ghi nhận những giá trị to lớn, tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc của quần thể di tích.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để huyện Kiến Thụy cùng với TP. Hải Phòng phát triển quảng bá về văn hóa, du lịch, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, địa phương sẽ chú trọng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ và phát huy để những giá trị của Cụm di tích này trường tồn cùng thời gian.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy) cho lãnh đạo TP Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy) cho lãnh đạo TP Hải Phòng.

TP. Hải Phòng hiện có 05 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Di tích danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) được công nhận vào năm 2013, Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo) được công nhận vào năm 2015, Bến tàu không số K15 (quận Đồ Sơn) nằm trong Cụm di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển được công nhận vào năm 2024, Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An) và Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy) được công nhận vào năm 2025.

ĐẠT VŨ

Các tin khác