Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Đại tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng C47 cho biết, thời gian vừa qua, tội phạm ma túy tại Việt Nam tiếp tục diễn biến rất phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 12.422 vụ với 17.683 đối tượng phạm tội về ma túy; khởi tố mới 11.133 vụ với 14.288 đối tượng; thu giữ 300kg heroin, 2,52 triệu viên ma túy tổng hợp, 940kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan đến vụ án.
Có thể thấy, tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, kéo theo đó là hàng loạt những vụ thảm án liên quan đến người nghiện xảy ra tại nhiều địa phương gây chấn động dư luận và để lại nhiều đau thương mất mát không thể nào bù đắp nổi.
Mới đây nhất là vụ sát khiến 3 người tử vong tại Thái Bình, đối tượng gây án là Đào Văn Thịnh (SN 1979, trú tại thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), người nghiện lâu năm. Trong lúc nói chuyện, xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát, Thịnh dùng dao chém bố mẹ vợ và vợ tử vong tại chỗ. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Thịnh tỏ ra bình tĩnh và không có biểu hiện gì sợ hãi. Được biết đối tượng này thường xuyên sử dụng ma túy. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ thảm án khác liên quan đến người nghiện ma túy.
Vậy, chúng ta đã thấy được những hệ lụy nghiêm trọng mà ma túy gây ra. Những vụ thảm án liên quan đến người nghiện mà chính người thân, gia đình của họ phải gánh chịu nỗi đau này. Từ vụ việc trên, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Có hay không việc công tác quản lý người nghiện đang bị buông lỏng tại nhiều địa phương?”.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay, toàn quốc có trên 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.636 người nghiện (4,7%) so với cuối năm 2020, đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn. Nhưng trên thực tế, số người nghiện này có thể hơn rất nhiều. Trong khi đó, công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện chưa thực sự có hiệu quả, gây áp lực không nhỏ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho rằng, công tác quản lý người nghiện ma túy đang bị buông lỏng.
"Việc quản lý người nghiện ở địa phương rất lỏng lẻo. Tôi đã gặp nhiều địa phương, cơ quan, ban ngành, mặc dù có kế hoạch nhưng hàng năm không được cấp kinh phí, dẫn tới việc vận hành hay theo dõi giám sát hoặc hỗ trợ bị hạn chế rất nhiều. Có thể nói tình trạng đá bóng từ cơ quan nọ sang cơ quan kia", ông Tuấn cho hay.
Không chỉ vậy, công tác giáo dục phòng chống ma túy chưa thực sự hiệu quả dẫn tới nhiều người trong cộng đồng thiếu những kiến thức và kỹ năng cơ bản để phòng, chống ma túy, trở thành “miếng mồi ngon” cho những đối tượng nghiện hút dụ dỗ, lôi kéo. Từ người nghiện đến tội phạm ma túy, ranh giới của nó thực sự rất mong manh.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống ma túy, giảm số lượng người nghiện và tội phạm ma túy trên cả nước, hạn chế tối đa những sự việc đau lòng liên quan đến người nghiện xảy ra, PSD đã cho ra đời bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy sau 5 năm biên soạn. Bộ tài liệu gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Mỗi một cuốn tài liệu đều trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
PV