Phương Anh miệt mài bên bàn học trong ngôi nhà chung SOS Hải Phòng.
Một đêm tháng 11/2003, tiếng khóc của bé gái sơ sinh còn nguyên dây rốn trước cổng Làng trẻ SOS Hải Phòng khiến mọi người thức giấc. Từ thời điểm đó, bé trở thành thành viên của làng trẻ, sống trong ngôi nhà Hoa Cúc. Mẹ Đỗ Thị Thắng chăm sóc em từng bữa cơm, giấc ngủ, đặt tên em là Đỗ Thị Phương Anh.
18 năm sau, Phương Anh trở thành quán quân Học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Đây là suất học bổng duy nhất hàng năm trị giá 1 tỉ đồng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Phương Anh cũng là người đầu tiên trong hệ thống 17 Làng trẻ SOS của Việt Nam đạt được thành tích này.
Bên bàn học trong ngôi nhà chung SOS, Phương Anh vẫn đang miệt mài học từ vựng, luyện nghe nói, làm bài tập ngữ pháp tiếng Anh. Cô bé luôn sợ bóng tối ấy bảo, thời gian tới em sẽ lên Hà Nội học tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam. Phía trước em là rất nhiều thử thách với môi trường sống, học tập hoàn mới, ở đó nhiều người giỏi hơn mình nên em phải không ngừng học tập và cố gắng.
Phương Anh bên mẹ Thắng tại làng trẻ SOS Hải Phòng.
Khoảng tháng 6/2021, Phương Anh biết tới Học bổng Trái Tim Sư tử. Từ lúc đó, người chị cả trong nhà Hoa Cúc, Làng trẻ SOS Hải Phòng luôn suy nghĩ việc có nên nộp hồ sơ để “săn” học bổng. “Từ trước tới nay em không có kinh nghiệm gì. Em cũng không nghĩ mình có thể học tại trường quốc tế vì xa vời hoàn cảnh của em”, Phương Anh chia sẻ.
Sau 2-3 ngày suy nghĩ, Phương Anh muốn thử sức với tâm lý, không giành được học bổng cũng không sao, nếu được, cuộc đời em sẽ thay đổi. Phương Anh quyết định nộp hồ sơ, bắt đầu tìm hiểu về trường, về học bổng, cách chuẩn bị hồ sơ và cách xin học bổng.
Đầu tháng 8/2021 là hạn cuối nộp hồ sơ, Phương Anh chỉ có 1 tháng để làm bài luận, xin thư giới thiệu và chuẩn bị các thủ tục liên quan. Chưa có kinh xin học bổng, em vào các nhóm để học hỏi. Sau những đắn đo về ý tưởng viết bài luận, Phương Anh quyết định chọn chủ đề viết bài luận là “Cách chọn giày”. Sau khi viết bài luận bằng tiếng Việt, Phương Anh chuyển sang tiếng Anh rồi nhờ thầy cô sửa.
Mở đầu bài luận, Phương Anh viết: “Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi được tặng một đôi giày thay vì những đôi sandal là năm tôi học lớp 6. Kể từ khi ấy, tôi bắt đầu yêu thích việc đi giày vì những đôi giày luôn khiến tôi cảm thấy thoải mái. Khi ấy, những đôi giày đế cao bắt đầu nổi lên một cách thần kỳ, ai ai cũng đeo nó và đó cũng là lúc tôi bắt đầu biết chạy theo những xu hướng mới”. Mải miết chạy theo xu hướng, cô bé ấy dần quên bản thân là ai, thực sự muốn gì. “Tôi đã mất phương hướng không thể xác định được đâu mới thực sự là bản thân”, Phương Anh viết trong bài luận.
Sau đó, được mẹ Thắng bảo, con nên chọn giày theo những gì con hợp chứ đừng chọn giày theo xu hướng. Phương Anh bắt đầu suy nghĩ và bây giờ thấy hợp, thích đôi giày nào, đôi nào đẹp và cho em cảm giác thoải mái em sẽ đeo nó. Từ bài luận của mình, Phương Anh muốn gửi đi thông điệp về hành trình tìm tới cái tôi của bản thân mình, hãy tôn trọng cái tôi của bản thân. “Tôi tin, khi tôi đã tìm được chính mình, sống hết mình với niềm yêu thích và sự đam mê vượt qua khỏi hoàn cảnh thì tôi sẽ là minh chứng rõ nhất của sự nuôi dưỡng của SOS mang đến với mọi người”, kết lại bài luận, Phương Anh như muốn nói lên tất cả tâm tư, suy nghĩ của mình.
Đầu tháng 9, Phương Anh bước vào phỏng vấn trực tuyến. Khoảng một tuần sau, tiếng hét sung sướng của nữ sinh 18 tuổi khi được thông báo đỗ học bổng đã khiến mẹ Thắng cũng như 7 người em trong nhà Hoa Cúc vỡ oà cảm xúc. Để có một Phương Anh nghị lực như hôm nay, em đã chiến thắng chính bản thân mình. Mỗi khi thấy buồn hay khó khăn, Phương Anh luôn nghĩ mọi thứ sẽ ổn, em cứ làm và cố gắng hết sức mình, từng bước, từng bước tới ngày hôm nay. Ước mơ của Phương Anh sau khi học xong sẽ về giúp đỡ Làng trẻ SOS, giúp Làng kết nối được với nhiều nhà hảo tâm hơn.
Nhắc đến chị cả của nhà Hoa Cúc, đôi mắt bà Đỗ Thị Thắng (62 tuổi, mẹ nuôi của Phương Anh) ánh lên niềm hạnh phúc. Bà không có gia đình, rất nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi đã trưởng thành dưới bàn tay chăm sóc của bà, trong đó có 2 con đỗ đại học và giờ thêm Phương Anh giành được học bổng của trường quốc tế trị giá 1 tỉ đồng. Bà vẫn nhớ như in gương mặt tím tái vì bị côn trùng bu kín của Phương Anh lúc mọi người phát hiện con trước cổng làng trẻ. Con được quấn trong miếng tã mỏng, bên cạnh là bức thư tay viết vội của mẹ nhờ người chăm sóc.
“Phương Anh rất quấn tôi nhưng từ nhỏ con luôn có ý thức học tập. Khoảng năm con 6, 7 tuổi, vì nói ngọng, con mượn điện thoại của tôi để ghi âm lời nói của mình rồi tự sửa những từ nói ngọng”, bà Thắng kể. Trong mắt bà Thắng, con gái học lực không quá xuất sắc nhưng lại rất ham học, chịu khó mày mò, tìm tòi kiến thức mới.
Phương Anh cũng là đứa trẻ biết yêu thương, quan tâm người khác. Ngoài giờ học, Phương Anh dành thời gian giúp đỡ mẹ việc nhà, tối nào cũng dạy các em trong nhà học bài từ sớm, khi các em ngủ mới ngồi học đến khuya. Điều đáng nói, Phương Anh luôn tự hào là thành viên Làng trẻ SOS Hải Phòng, không mặc cảm về quá khứ, hoàn cảnh của bản thân. Ngược lại, con luôn lấy đó làm động lực vươn lên, bản lĩnh, tự tin trước mọi thử thách. “Nghị lực, sự cần mẫn, kiên trì của con là điều khiến tôi cảm thấy rất khâm phục, tự hào”, bà Thắng tự hào khi nói về Phương Anh.
NGUYÊN TRUNG
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị không cách ly tập trung với hành khách đi máy bay