LSVNO- Năm 2017 đi qua, đây là khoảng thời gian hợp lý nhất để tổng kết lại bức tranh tư pháp của nước nhà trong một năm vừa qua. Có thể nói năm qua, hoạt động tư pháp của nước ta có rất nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Một trong những vụ án hy hữu trong năm, đó là vụ “vợ trộm cắp tiền của chồng” và nguy cơ đối mặt với mức án rất nặng, nhưng khi có sự tham gia của luật sư, vụ án đã có được một kết thúc có hậu.
Người phụ nữ bất hạnh
Nhớ lại khởi nguồn cho câu chuyện đi tìm công lý cho Nguyễn Thị Hải - người phụ nữ trót mang tiếng trộm cắp tài sản của chồng.
Quyết định khởi tố chị Nguyễn Thị Hải - người vợ mang tiếng trộm cắp tài sản của chồng.
Đó là một ngày gần cuối tháng 7, khi đang chuẩn bị cho một phiên tòa diễn ra vào ngày hôm sau, tôi nhận được thông báo từ bộ phận lễ tân về việc có một khách hàng từ tận Thanh Hóa ra và muốn gặp trực tiếp để được tư vấn.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với vị khách này, đó là một người đàn ông chừng khoảng 60 tuổi với dáng vẻ bề ngoài lam lũ, nhưng gương mặt ông toát lên vẻ hồn hậu. Sâu thẳm trong đôi mắt ông là một vẻ u buồn. Ông cho biết, ông biết tới Văn phòng chúng tôi qua một số vụ án mà Văn phòng đã bảo vệ thành công cho những người có dấu hiệu bị hàm oan. Do vậy ông quyết tâm lặn lội từ Quảng Xương, Thanh Hóa lên Hà Nội để tìm gặp luật sư.
Kể về chuyện của gia đình mình, ông tâm sự, là một người lính cụ Hồ năm xưa, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, trở về địa phương, ông xây dựng gia đình và có tới 5 mặt con. Cuộc sống mưu sinh bằng nghề đi biển rất khó khăn, không có điều kiện cho các con ăn học tới nơi tới chốn nên cái khó bó cái khôn cứ đeo đuổi các con của ông.
Nguyễn Thị Hải là con gái đầu lòng của ông. Là chị cả trong gia đình, không có điều kiện ăn học tới nơi, tới chốn, Hải lam lũ, tần tảo từ nhỏ. Mười tám tuổi, Hải xây dựng gia đình với một người người đàn ông cùng quê. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sau khi đứa con đầu lòng đang còn trong bụng mẹ, chồng của Hải bị cơn bão Linda cướp đi trong một chuyến đi biển, để lại vợ dại và đứa con còn chưa kịp chào đời. Để có tiền nuôi con ăn học, Hải đã phải rời quê lên Hà Nội kiếm sống bằng công việc bốc vác tại bến xe Giáp Bát. Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người, Hải gặp Chu Bá Minh - một người đàn ông quê Bắc Giang có hoàn cảnh tương đồng. Cả hai nảy sinh tình cảm nên đã quyết định về chung sống với nhau dưới một mái nhà từ năm 2004.
Trong thời gian 13 năm chung sống, hai vợ chồng đã có với nhau hai con trai nhưng chưa đăng ký kết hôn, vì cô nghĩ đơn giản ở với nhau, cùng sinh con đẻ cái thì đã là vợ chồng rồi. Ông Phiên - bố của Hải cũng cho biết thêm, khoảng thời gian từ Tết đến trước khi bị bắt, vợ chồng Hải có nảy sinh một số vấn đề mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn cụ thể ra sao mà để từ đó chồng Hải làm đơn đề nghị công an xử lý hình sự với Hải thì ông và gia đình cũng không được rõ. Cuối tháng 5/2017, ông và gia đình có nhận được thông báo của Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) về việc bắt tạm giam đối với Hải với lý do đêm ngày 19/4/2017, Hải có hành vi lấy trộm tiền của chồng. Thông tin vụ án thì gia đình ông nắm được rất ít, hơn nữa bản thân ông và gia đình nhận thấy việc bắt giữ con gái ông có nhiều dấu hiệu không bình thường, do vậy ông mong muốn luật sư tham gia bào chữa, làm sáng tỏ sự việc của con gái mình.
Sau khi nghe hết đầy đủ câu chuyện của Hải từ người cha già, cảm giác ban đầu trong tôi đó là sự chua xót cho số phận một người phụ nữ. Ở góc độc đạo lý, hành động của người chồng phải nói là quá rất nhẫn tâm, dù đúng dù sai thì hai người cũng đã có 13 năm chung sống, có tới hai mặt con với nhau, dù chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý thì thực tế hai người đã là vợ chồng. Ở góc độ pháp luật, tôi sớm phát hiện ra rằng tài sản mà Hải lấy của chồng là tài sản chung của hai người, do vậy việc khởi tố, điều tra trong trường hợp này là chưa thỏa đáng cả về tình và lý.
Cảm thông trước hoàn cảnh của gia đình ông Phiên, chúng tôi đã chấp thuận lời mời tham gia bào chữa cho Hải, với niềm tin sâu sắc rằng vụ việc này nếu luật sư tham gia sẽ có kết quả tốt đẹp.
Gian nan tiếp cận công đường
Tiếp nhận vụ việc của Hải, chúng tôi xác định cần phải nhanh chóng tiếp cận hồ sơ vụ án để có phương án bào chữa tốt nhất. Do vậy ngay sau khi tiễn ông Phiên ra về, chúng tôi đã thiết lập và gửi các tài liệu liên quan tới việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa đến CQCSĐT Công an quận Hoàng Mai.
Theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ nhận được các tài liệu do luật sư cung cấp, nếu xem xét thấy các tài liệu đã đầy đủ thì các CQTHTT phải cấp giấy chứng nhận ngay cho luật sư, trong trường hợp không cấp thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Tuy nhiên thực tế phải đến hơn 2 tuần sau kể từ khi gửi các tài liệu xin cấp GCNNBC tới CQĐT, chúng tôi mới nhận được phản hồi đầu tiên. Đó là khi đang trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, chúng tôi có nhận được một cuộc gọi điện thoại của một người xưng danh cán bộ thuộc CQCSĐT Công an quận Hoàng Mai, hiện đang thụ lý vụ án của Nguyễn Thị Hải. Người này cho biết, CQĐT vừa nhận được các giấy tờ tài liệu xin cấp GCNNBC của luật sư và đề nghị chúng tôi trực tiếp đến CQĐT để làm việc, trao đổi. Do không thể sắp xếp được thời gian gần đó nên chúng tôi có đề xuất thông báo luôn cho chúng tôi về việc có vướng mắc gì trong hoạt động cấp GCN hay không và đề nghị thông báo bằng văn bản để luật sư được biết. Trao đổi rõ ràng là vậy nhưng cán bộ này vẫn mong muốn các luật sư đến trực tiếp để trao đổi. Thời điểm này là thời gian các vụ án được tòa án đưa ra xét xử rất nhiều nên việc bố trí thời gian để tới CQĐT làm việc là rất khó khăn với chúng tôi.
Linh cảm thấy điều bất thường, cuối tháng 8, chúng tôi có nhận được thông báo về việc từ chối cấp GCNNBC của CQĐT. Trong văn bản này, CQĐT có nêu lý do rằng đã thông báo cho bị can Hải về việc mời luật sư bào chữa nhưng Hải từ chối.
Đã quá quen với lý do mà CQĐT đưa ra để từ chối cấp GCN nên chúng tôi không hề bất ngờ với thông báo nêu trên của CQCSĐT công an quận Hoàng Mai. Trong tình huống này, luật sư cũng chỉ có một giải pháp duy nhất là thực hiện quyền khiếu nại. Với những động thái trước đó từ phía CQĐT, chúng tôi linh cảm có nhiều khuất tất đằng sau hoạt động từ chối cấp GCNNBC nên đã có văn bản khiếu nại gửi tới CQĐT và VKS cùng cấp. Đồng thời, đề xuất một buổi làm việc có sự tham gia của CQĐT, VKS, Luật sư và bị can để xác định ý chí của bị can trong việc mời người bào chữa.
Trong khi khiếu nại chưa được giải quyết thì hồ sơ vụ án đã được CQĐT chuyển sang VKS để thực hiện hoạt động truy tố. Tạm gác lại hoạt động khiếu nại, chúng tôi nhanh chóng gửi tiếp một bộ hồ sơ xin cấp GCNNBC gửi tới VKSND quận Hoàng Mai theo đường bưu điện. Đồng thời liên hệ và đặt lịch làm việc trực tiếp với kiểm sát viên để được cấp GCN. Tuy nhiên, đến lịch hẹn thì vị kiểm sát viên này lấy lý do để vắng mặt trong buổi hẹn và chỉ nhắn lại với luật sư rằng sẽ có văn bản trả lời.
Đúng như nhận định trước đó rằng nhiều khả năng tình hình sẽ không có sự chuyển biến thì đúng 03 ngày sau, văn phòng chúng tôi tiếp tục nhận được thông báo của VKSND quận Hoàng Mai về việc từ chối cấp GCNNBC cho luật sư. Lý do mà VKS vẫn giống của CQĐT. Nhưng dường như để luật sư đừng mất công làm thủ tục bào chữa nữa, VKS cũng cho biết rằng bị can Hải đã cam kết với VKS về việc tự bào chữa cho mình trong cả giai đoạn truy tố và xét xử.
Với động thái nêu trên, dường như những điều bất thường, khuất tất đằng sau hoạt động từ chối cấp GCNNBC ngày càng được thể hiện rõ hơn. Việc liên tiếp nhận được các văn bản từ chối luật sư không làm chúng tôi chùn bước. Trái lại, điều đó càng củng cố thêm quyết tâm làm rõ những bất thường và sự thật khách quan của vụ án trong chúng tôi.
(Còn nữa)
Luật sư Đặng Xuân Cường
(VPLS Trương Anh Tú)