/ Video
/ Hành vi bất chấp pháp luật kinh doanh sản phẩm bị đình chỉ lưu hành của Công ty Beautizon sẽ bị xử lý thế nào?

Hành vi bất chấp pháp luật kinh doanh sản phẩm bị đình chỉ lưu hành của Công ty Beautizon sẽ bị xử lý thế nào?

05/01/2021 18:03 |

Công ty TNHH một thành viên Beautizon (Công ty Beautizon) đã vi phạm quy định về kinh doanh mỹ phẩm và vi phạm quy định về nhãn mỹ phẩm. Căn cứ quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 51, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế Công ty Beautizon sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời buộc phải thu hồi và tiêu hủy những sản phẩm mỹ phẩm vi phạm quy định pháp luật và sẽ bị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm mỹ phẩm đó.

Như Luật sư Việt Nam đã phản ánh, ngày 17/2/2020, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã ra Quyết định số 48/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Công ty TNHH một thành viên BEAUTIZON đại diện pháp lý Bà Nguyễn Thị Kiều Trang (Địa chỉ: Tòa nhà Lighthouse, 1254 Xô Viết Nghệ Tĩnh, p. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng) nhưng Công ty TNHH Beautizon vẫn bất chấp và vẫn quảng cáo, bán các sản phẩm nhãn hiệu mỹ phẩm Sản phẩm Sukin Coffee & Coconut Exfoliating Masque. 

Quyết định xử phạt Công ty TNHH một thành viên BEAUTIZON

Đánh giá về sự việc này, Luật sư Phạm Quang Biên, Hãng luật IMC - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết.

Căn cứ Thông tư 06/2011/TT-BYT tại Điều 3, Điều 4 và khoản 1, Điều 18 thì điều kiện để doanh nghiệp đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường là khi được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Số tiếp nhận Phiếu công bố có giá trị chứng nhận sản phẩm mỹ phẩm đã được doanh nghiệp khai báo với cơ quan có thẩm quyền mà không có giá trị chứng nhận sản phẩm đó đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, chất lượng theo quy định pháp luật. Do vậy, khi sản phẩm đã khai báo và được lưu thông trên thị trường, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra các hoạt động về hậu mại, hoạt động kinh doanh đối với các sản phẩm mỹ phẩm này khi lưu thông trên thị trường.

https://youtu.be/BEFFZTc_BHY

Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra các nội dung như: việc tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm”; ghi nhãn mỹ phẩm; hồ sơ thông tin sản phẩm, quảng cáo mỹ phẩm,…để đảm bảo việc chấp hành pháp luật của các thương nhân khi lưu hành mỹ phẩm, có tuân thủ đúng như đã kê khai, đăng ký trong Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm không.

Đối với trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Beautizon (gọi tắt là “Công ty Beautizon”), Công ty Beautizon có hành vi kinh doanh một số sản phẩm mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố và có nhãn ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm khi lưu hành trên thị trường. Như vậy, hành vi trên của Công ty Beautizon đã vi phạm quy định về kinh doanh mỹ phẩm và vi phạm quy định về nhãn mỹ phẩm.

Ảnh sản phẩm

Với hành vi nêu trên, Công ty Beautizon sẽ bị thu hồi và đình chỉ lưu hành các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm quy định về kinh doanh mỹ phẩm. Đồng thời, Công ty Beautizon sẽ bị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm này theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm.

Về việc cố tình không thực hiện quyết định xử phạt của Công ty Beautizon

Công ty Beautizon đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về mỹ phẩm ngày 17/02/2020. Theo đó, Công ty Beautizon buộc phải thu hồi và tiêu hủy những sản phẩm mỹ phẩm vi phạm quy định pháp luật, đồng thời Công ty Beautizon sẽ bị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm mỹ phẩm đó. Tuy nhiên, đến ngày 06/04/2020, Công ty Beautizon vẫn tiếp tục lưu hành các sản phẩm vi phạm trên thị trường bất chấp quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước.

Hình ảnh minh họa

Căn cứ quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 51, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì việc không thực hiện thu hồi mỹ phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công ty Beautizon sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính:

- Theo quy định tại Điều 73 về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

- Căn cứ quy định tại Điều 86 về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Như vậy, việc Công ty Beautizon vẫn tiếp tục lưu hành các sản phẩm vi phạm trên thị trường, không thực hiện thu hồi mỹ phẩm theo yêu cầu thì sẽ bị phạt tiền như quy định nêu trên và sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Hiện nay hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên thị trường nước ta khá là phổ biến và ngày càng mở rộng. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng thì cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm nói riêng và quy định pháp luật nói chung.

Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc và người tiêu dùng

/hanh-vi-qua-mat-cuc-quan-ly-duoc-cong-ty-tnhh-beautizon-ban-san-pham-da-co-quyet-dinh-thu-hoi.html

Hoàng Long - Phan Bình