Cụ thể, liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7, dự thảo quy định cấm xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Các hành vi khác bị cấm bao gồm: Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan chức năng có thẩm quyền; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; thu thập, xử lý, chuyển giao dữ liệu cá nhân trái quy định của pháp luật; mua, bán dữ liệu cá nhân; cố ý chiếm đoạt, làm lộ, mất dữ liệu cá nhân.

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định cụ thể việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý cũng như sử dụng dữ liệu cá nhân trong các hoạt động khác nhau.
Nêu quan điểm tại Hội nghị, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đề nghị làm rõ việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân thì có cấm hành vi tặng, cho hay không?
Dữ liệu mà tổ chức, doanh nghiệp thu thập được của chủ thể dữ liệu cá nhân là dữ liệu đã được xử lý. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 8, Điều 2, dự thảo Luật, thì “Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, tiết lộ, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan”.
Do đó lúc này dữ liệu do doanh nghiệp, tổ chức thu thập là tập hợp của dữ liệu của nhiều chủ thể dữ liệu cá nhân và chi phí của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc cấm mua, bán dữ liệu cá nhân cần được cân nhắc.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đặt vấn đề, một tập đoàn, công ty có nhiều công ty con, vậy dữ liệu cá nhân sau khi đã được xử lý thành tệp thì một công ty có thể chuyển cho các công ty khác trong tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh không?
“Bản thân doanh nghiệp cũng kiến nghị được chuyển dữ liệu cá nhân từ bộ phận này sang bộ phận khác để sử dụng hiệu quả nhất”, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích và cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ khi nào thì được mua bán, khi nào thì được trao đổi.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy trong lập pháp. Trong đó, chú ý xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại và ý kiến đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật, bổ sung hồ sơ bảo đảm chất lượng để gửi cho Quốc hội tổ chức thẩm tra chính thức và trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, nếu đủ điều kiện.