/ Trợ giúp pháp lý
/ Hình thức và thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định mới

Hình thức và thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định mới

28/09/2021 16:49 |

(LSVN) - Tôi đang có dự định học thạc sĩ trong thời gian tới. Được biết, ngày 30/8/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ. Vậy, theo quy định mới này, hình thức và thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ như thế nào và có gì khác so với quy định trước đó? Bạn đọc T.K. hỏi.

Ảnh minh họa.

Chương trình đào tạo thạc sĩ do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng, đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam và quy định về chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình đào tạo được thực hiện để cấp bằng thạc sĩ theo quy định của Quy chế này; không cấp thêm một văn bằng giáo dục đại học khác. Chương trình đào tạo áp dụng chung đối với các hình thức, phương thức tổ chức đào tạo và đối tượng người học khác nhau.

Điều 3 của Thông tư quy định rõ về hình thức và thời gian đào tạo. Theo đó, hình thức đào tạo chính quy áp dụng cho chương trình định hướng nghiên cứu và chương trình định hướng ứng dụng. Hình thức đào tạo vừa làm vừa học áp dụng cho chương trình định hướng ứng dụng.

Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy đối với mỗi hình thức đào tạo thực hiện theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với mỗi hình thức đào tạo, cơ sở đào tạo cung cấp kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa cho từng chương trình đào tạo để định hướng cho học viên. Thời gian đào tạo được quy định như sau:

- Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa phải phù hợp với thời gian quy định trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời bảo đảm đa số học viên hoàn thành chương trình đào tạo;

- Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo;

- Thời gian tối đa để học viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo.

Điều 5 của Thông tư nêu yêu cầu với người dự tuyển gồm:

- Đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu;

- Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

- Đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.

Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT.

HỒNG HẠNH

TP. HCM kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng quy định riêng để mở cửa kinh tế

Lê Minh Hoàng