/ Pháp luật - Đời sống
/ Hỗ trợ dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông

Hỗ trợ dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông

10/06/2021 03:00 |

(LSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa. 

Theo dự thảo, việc tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số được quy định như sau: Trường hợp tất cả số người học trong một lớp học theo cấp học đều có nguyện vọng học một thứ tiếng dân tộc thiểu số và cùng một trình độ thì lớp học tiếng dân tộc thiểu số đồng thời với lớp theo cấp học.

Trường hợp lớp học chỉ có một số người học có nguyện vọng học một thứ tiếng dân tộc thiểu số thì lớp học sẽ được tách riêng và người học của lớp bao gồm: Người học của một lớp hoặc người học của nhiều lớp khác nhau trong cùng một trường, một cấp học, có nguyện vọng học cùng một thứ tiếng dân tộc thiểu số và cùng một trình độ. Số người học của lớp học tiếng dân tộc thiểu số tối thiểu không dưới 10 người/lớp.

Người học hoàn thành chương trình tiếng dân tộc thiểu số theo cấp học (từ lớp 9 trở lên) được kiểm tra, đánh giá, xếp loại và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành trình độ của cấp học.

Chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh

Dự thảo cũng đề xuất quy định về chế độ chính sách đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Theo đó, giáo viên (không phân biệt biên chế hay hợp đồng, kiêm nhiệm) dạy tiếng dân tộc thiểu số bảo đảm số giờ dạy theo định mức, trong đó có số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số từ 4 tiết/tuần trở lên đối với giáo viên; từ 2 tiết/tuần trở lên đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định.

Chế độ phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về chế độ chính sách đối với người học, dự thảo nêu rõ: Đối với người học là người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với người học về điều kiện học tập.

Cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Kinh phí phục vụ cho hoạt động dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, các chính sách, chế độ đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số được ngân sách Nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán chi thường xuyên của cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên có triển khai việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số theo đúng quy định hiện hành về phân cấp ngân sách Nhà nước.

PHƯƠNG THẢO

16 luật sắp được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới

Lê Minh Hoàng