/ Pháp luật - Đời sống
/ Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

16/11/2021 09:10 |

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Ảnh minh họa. 

Theo dự thảo, về hỗ trợ chuyển đổi nghề, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác hoặc học nghề để chuyển đổi nghề.

Về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, dự thảo nêu rõ, căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (các hộ dân nhận lu, stéc, vật dụng chứa nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác) gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện. Cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân, tối đa 2 triệu đồng/hộ.

Về chính sách hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư, dân di cư tự do, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi tái định cư. Mức hỗ trợ tính theo thực tế khi lập dự án, căn cứ quãng đường thực tế và đơn giá của loại phương tiện phổ thông tại địa phương.

Dự thảo nêu rõ hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như sau: Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 5 khóa/mô hình; Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 5 hợp đồng/mô hình; Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình.

Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí vận hành các dự án “Trung tâm hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” và dự án "Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng bá sản vật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng trang điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng kết nối điện tử hỗ trợ trực tuyến theo dự án hoặc đề cương chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa 1 tỉ đồng/trung tâm. Hỗ trợ gian hàng kết nối, giới thiệu sản phẩm dân tộc thiểu số và miền núi và thu hút đầu tư, mức hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng/trung tâm (không bao gồm xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng).

NGỌC ANH

Lượng vaccine về Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đề ra

Admin