Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN.
Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng đối với từng công ty căn cứ vào kết quả của các đợt rà soát gần nhất trước đó.
Đáng lưu ý, trong POR17, DOC xác định 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam nhận được mức thuế lần lượt là 0,00 USD/kg và 3,87 USD/kg, 1 công ty nhận thuế suất riêng rẽ 1,94 USD/kg và 32 công ty nhận mức thuế suất toàn quốc 2,39 USD/kg.
Trong đợt rà soát POR18 này, DOC cũng xác định một công ty xuất khẩu của Việt Nam không đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất riêng rẽ, do đó nhận mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, DOC đang tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) cho giai đoạn từ ngày 1 tháng 8 năm 2021 đến ngày 31 tháng 7 năm 2022 đối với cá tra, basa Việt Nam.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam và phía Hoa Kỳ theo dõi, cập nhật thông tin để xử lý các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.
Thống kê từ VASEP cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 7,6 tỉ USD, tăng khoảng 36,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu cá tra, basa đạt kim ngạch khoảng 1,8 tỉ USD, tăng gần 81% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai thị trường xuất khẩu cá tra, basa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022 lần lượt gần 500 triệu USD và 428 triệu USD.
Mặc dù bị áp thuế từ năm 2003 đến nay nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam vẫn duy trì được mức thuế chống bán phá giá 0.00 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường lớn như Hoa Kỳ.
TTXVN