/ Thư viện pháp luật
/ Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022

Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022

24/01/2021 03:16 |

(LSVN) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 để tiếp tục thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa.

Ngày 21/01/2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết 06/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chương trình hành động đến 2025 như sau: Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm 100% các tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Giảm 30% thiệt hại về người đối với loại hình thiên tai có cường độ tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 – 2020; Giảm 7,3% phát khí thải nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 – 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng.

Ngoài ra, một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách được đề cập đến tại Nghị quyết này là:

- Phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa dạng sinh học...; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật về biến đổi khí hậu.

- Tổng kết, đánh giá và xây dựng các chiến lược quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, khoáng sản, lâm nghiệp, tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý tổng hợp chất thải rắn...; xây dựng chiến lược sử dụng đất, chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng và thực hiện các quy hoạch liên quan đến phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; các hợp phần tài nguyên, môi trường trong các quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

- Xem xét, sửa đổi quy định theo hướng cho phép thanh tra, kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực môi trường; cắt giảm các thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra.

- Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; quản lý, sử dụng đất; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi; khai thác rừng trái phép trên phạm vi cả nước.

- Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 21/01/2021.

TRÀ MY

Có được chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác?

Lê Minh Hoàng