/ Kinh tế - Pháp luật
/ Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

21/08/2024 06:35 |

(LSVN) - Bộ Công thương đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý về ghi nhãn hàng hóa, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công thương, trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. 

Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

Một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Xuất phát từ đây, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh phát sinh tranh cãi, thậm chí thiệt hại không đáng có.

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là “Hàng hoá của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” đối với hàng hóa lưu thông trong nước có thể dẫn đến xung đột giữa sản xuất và tiêu dùng khi cơ quan chức năng không có căn cứ phân xử. 

Việc ban hành văn bản về cách xác định hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam” giúp giải quyết vấn đề này, khiến môi trường kinh doanh minh bạch hơn, được quản lý tốt hơn và quyền lợi của người tiêu dùng cũng được đảm bảo hơn.

Theo Bộ Công thương, việc xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam” hướng đến các mục đích hoàn thiện hệ thống pháp lý về ghi nhãn hàng hóa, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành.

Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí để giúp các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước xác định được hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, làm cơ sở thực hiện cho một số hoạt động khác như thể hiện xuất xứ, nguồn gốc trên nhãn, bao bì hàng hóa, quảng cáo hàng hóa, xây dựng thương hiệu,…

Thiết lập cơ chế ngăn ngừa, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

TRẦN VŨ

Bổ sung vào quy hoạch hàng loạt tuyến cao tốc

Nguyễn Hoàng Lâm