/ Hoạt động Luật sư
/ Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư y tế

Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư y tế

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Với mục tiêu tạo diễn đàn để các chuyên gia, Luật sư, doanh nghiệp cho ý kiến phân tích, đánh giá thực trạng công tác đầu tư mua sắm, quản lý giá trang thiết bị, vật tư y tế; Chỉ rõ những bất cập và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật, hướng đến mục tiêu bảo đảm công khai, minh bạch và lành mạnh hóa hoạt động này, đáp ứng nguyện vọng của người dân và xã hội, sáng ngày 30/6, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: "Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư y tế".

Tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư y tế”.

Trang thiết bị, vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó, việc quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, vận hành… đã sớm được quy định trong hệ thống pháp luật. Trong đó, các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được quy định không chỉ trong các văn bản liên quan của ngành y tế, mà còn được quy định trong rất nhiều luật, như: Luật Giá; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại… với mục tiêu quản lý chất lượng, giá thành trang thiết bị y tế, đảm bảo lợi, trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh và đảm bảo người bệnh được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng với giá thành hợp lý, đồng thời, tạo sự công bằng, minh bạch.

Song, tình trạng vi phạm các quy định trong hoạt động đầu tư mua sắm, nhất là giá thiết bị, vật tư y tế "mỗi nơi một kiểu", thậm chí có hiện tượng “thổi giá”, nâng giá, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại cho người bệnh, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khám chữa bệnh và uy tín của ngành y tế.

Với mục tiêu tạo diễn đàn để các chuyên gia, Luật sư, doanh nghiệp cho ý kiến phân tích, đánh giá thực trạng công tác đầu tư mua sắm, quản lý giá trang thiết bị, vật tư y tế; chỉ rõ những bất cập và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật, hướng đến mục tiêu bảo đảm công khai, minh bạch và lành mạnh hóa hoạt động này, đáp ứng nguyện vọng của người dân và xã hội, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư y tế”.

Tham dự chương trình Tọa đàm, có: Kỹ sư Hà Đắc Biên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thiết bị Y tế Việt Nam; Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; ông Nguyễn Hồng Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thiết bị Y tế Việt Nam.

Thực trạng hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế

Kỹ sư Hà Đắc Biên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thiết bị Y tế Việt Nam.

Trao đổi tại Tọa đàm, ông Hà Đắc Biên nhận định, ngoài đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giỏi, tận tình, đầy đủ thuốc chữa bệnh thì trang thiết bị y tế đầy đủ, an toàn là những yếu tố tiên quyết quyết định chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị của các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh không chỉ làm tăng chất lượng, an toàn, hiệu quả, sự hài lòng của người bệnh mà còn góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân. Nhà nước ta luôn chú trọng, tập trung đầu tư, hiện đại hóa cơ sở nghề nghiệp và trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Ông Hà Đắc Biên cho rằng, công tác mua sắm trang thiết bị, đấu thầu mua sắm vật tư y tế ở nước ta thời gian qua về cơ bản đã tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số sai phạm nghiêm trọng trong đấu thầu trang thiết bị y tế đã được Cơ quan điều tra phát hiện và xử lý nghiêm khắc.

Theo ông Nguyễn Hồng Toản, hiện nay, trang thiết bị, vật tư y tế không phải là mặt hàng Nhà nước quản lý giá. Để đảm bảo giá thành hợp lý, tạo sự công bằng, minh bạch, Nhà nước đã có quy định đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phải thực hiện kê khai, công khai giá, đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, chính những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng trang thiết bị y tế và những bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế.

Ông Nguyễn Hồng Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thiết bị Y tế Việt Nam.

Về góc độ quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, theo Luật sư Trần Xuân Tiền, pháp luật về hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế hiện nay là tương đối đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo tính đặc thù đối với loại hàng hóa thực hiện đấu giá, đấu thầu và trang thiết bị, vật tư y tế. Theo đó, hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động này bao gồm: Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Gần đây nhất, văn bản điều chỉnh trực tiếp những nội dung chủ yếu trong hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế là Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định về nội dung trong đấu thầu trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. 

"Nhìn chung, xuất phát từ tính đặc thù của lĩnh vực y tế, hoạt động đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế ở nước ta hiện nay tương đối ổn định, các địa phương đã chủ động thực hiện chi ngân sách cho hoạt động này khá hợp lý, đảm bảo quy trình của hoạt động đấu giá, đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số địa phương xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động này, ảnh hưởng tiêu cực đến quy trình đấu giá, đấu thầu trang thiết bị vật tư y tế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nước ta", Luật sư Tiền nói.

Những bất cập và khuyến nghị hoàn thiện khung khổ pháp luật

Mặc dù hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định, việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị y tế phải đảm chất lượng, giá cả, tuân thủ các quy định về đầu thầu… Song, thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập trong công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, trong đó nổi cộm là sự không thống nhất về giá của cùng một chủng loại thiết bị, vật tư y tế. Đặc biệt, không ít trường hợp, các bên liên quan đã cố tình nâng khống giá, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, làm thiệt hại về kinh tế cho người bệnh, gây bất bình trong nhân dân và làm giảm uy tín của ngành y tế.

Tại Tọa đàm, các vị khách mời đã thảo luận, chỉ rõ nguyên nhân; đưa ra khuyến nghị giải pháp để chấn chỉnh, hoàn thiện khung khổ pháp luật, đưa hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đi đúng quỹ đạo mà pháp luật quy định, ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật nhằm nâng giá, gây thiệt hại cho ngân sách và trục lợi trên sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Theo ông Hà Đắc Biên, về mặt kỹ thuật nói chung, các thiết bị y tế hoặc vật tư y tế trước khi được đưa vào sử dụng trong các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện về giấy phép lưu hành do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, để có được cấp phép cũng cần trải quy rất nhiều giai đoạn với thời gian tới vài năm. Ngoài việc tuân thủ các quy định về kỹ thuật, các trang thiết bị, vật tư y tế khi đưa vào bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh còn phải tuân thủ các điều kiện, quy định về giá. Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu phải công khai về giá. Để việc công khai này được trung thực và đảm bảo đúng quy định, cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các đơn vị kinh doanh. 

Về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, hiện nay hành lang pháp lý về đấu thầu và hoạt động công bố giá đối với trang thiết bị, vật tư y tế đã khá đầy đủ và chặt chẽ. Khi thực hiện đấu thầu qua mạng, với ưu thế của công nghệ thông tin, thì bản thân hoạt động đấu thầu cũng như hoạt động quản lý đã được nâng tầm rất nhiều. Với sự dễ dàng trong việc lưu trữ, thống kê, truy xuất và kiểm tra mà công nghệ mang lại, có thể nói lĩnh vực đấu thầu và quản lý đấu thầu nói chung hay đối với trang thiết bị y tế nói riêng, hoàn toàn có đủ điều kiện để trở nên chính xác và minh bạch.

Tuy nhiên, các sai phạm trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc bản thân người có trách nhiệm xét duyệt và quyết định lựa chọn nhà thầu đã làm chưa tốt, thậm chí là có biểu hiện tiêu cực. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn có chức năng thẩm định hoặc các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng chưa làm tròn trách nhiệm, dẫn tới việc buông lỏng cả trong khâu thực hiện và khâu quản lý, dẫn tới nhiều sai phạm, trong đó có các sai phạm rất nghiêm trọng, khiến nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý.

Để giảm thiểu tình trạng tiêu cực trong các hoạt động mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, Luật sư Tiền cho rằng, quan điểm “để cho các cơ sở khám chữa bệnh chủ động trong việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị” là phù hợp với thực tế hiện nay. Với xu hướng chuyên môn hóa và cá thể hóa trách nhiệm, chúng ta nên cân nhắc ý tưởng, dần chuyển các cơ sở y tế ở các địa phương hoạt động theo mô hình tự quản, có nguồn tài chính độc lập, tự quyết định thu-chi và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Bên cạnh đó, cần có cơ quan độc lập phân phối trang thiết bị y tế, hướng tới xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, phát triển thành phần kinh tế tư nhân. Các cơ quan cấp cao chỉ nên đóng vai trò quản lý và tạo hành lang cho cấp dưới hoạt động, với cơ chế tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Hồng Toản, tình trạng loạn giá, mỗi nơi một giá, nhất là tình trạng nâng khống, thổi giá trang thiết bị, vật tư y tế cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn. Bởi, chính tình trạng “loạn giá” cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những rủi ro pháp lý trong quá trình tham gia đấu thầu đưa trang thiết bị, vật tư y tế vào các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, thiết bị y tế được coi là một loại sản phẩm rất đặc thù. Để một thiết bị y tế được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, phải trải qua nhiều khâu với nhiều loại chi phí.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Luật sư Trần Xuân Tiền, chủ yếu xuất phát từ việc các cấp quản lý cũng như cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra đã chưa làm đúng, làm hết trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của mình, dẫn tới bỏ lọt nhiều vi phạm mà đến khi cơ quan Công an vào cuộc mới vỡ lở. Tiếp đó, là chính bản thân những người có nghĩa vụ xét duyệt để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đã sai phạm, hơn nữa là sai phạm một cách có ý thức, biết mình sai mà vẫn thực hiện. Đây là biểu hiện của sự thiếu đạo đức công vụ, suy thoái về tư tưởng trong công tác của một bộ phận cán bộ, nhân viên Nhà nước. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, cũng cần thừa nhận rằng, thiết bị vật tư y tế là sản phẩm có nhu cầu rất lớn, đặt ra yêu cầu nhanh chóng đầy đủ về số lượng cũng như thời gian để phục vụ khám chữa bệnh. Hơn nữa, các sản phẩm này lại được sản xuất với nhiều chủng loại, mẫu mã với các đặc điểm kỹ thuật phức tạp, căn cứ vào nhiều quy chuẩn khác nhau, do đó công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ gặp nhiều khó khăn; cần xem xét đầu tư và cải thiện tính khách quan cũng như tính chuyên môn của cơ quan thanh tra, kiểm tra, để đảm bảo ngăn chặn các sai phạm ngay từ quá trình manh nha chứ không đợi tới khi sự việc gây hậu quả nặng nề, mới lại điều tra, khởi tố rồi truy thu để bù đắp thiệt hại. 

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Theo Luật sư Tiền, để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế nói chung, cũng như ngăn chặn những sai phạm tương tự xảy ra, cần giải quyết theo 02 nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Thực tế cho thấy, công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng, tạo điều kiện cho  người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu. Cụ thể, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, cần bổ sung cơ quan giám sát độc lập vào quy trình lựa chọn nhà thầu được chỉ định, nhất là đối với hình thức chỉ định thầu rút gọn, cần tuân thủ tuyệt đối những tiêu chí tiên quyết để lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, nhất là giữa Bộ Y tế với các đơn vị khác như hải quan, quản lý thị trường, thuế... trong việc giám sát, kiểm tra giá thiết bị y tế, đảm bảo mức giá thiết bị và sinh phẩm được công khai không bị đẩy lên quá cao bởi các nhà cung cấp. Đồng thời, cần có hành lang pháp lý chắc chắn để cho người làm công tác quản lý nếu có lòng tham, định tư túi cũng không có cơ hội.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát quy trình đấu thầu trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là đối với các gói thầu thực hiện theo hình thức thầu chỉ định hoặc chỉ định thầu rút gọn. Nếu phát hiện sai phạm, cần nghiêm khắc thực hiện chế tài xử phạt (hành chính, hình sự) đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hành vi vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, ngành y tế nói riêng. Trong đó, cần minh bạch trong cả hình thức khen thưởng và kỷ luật, nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Về lâu dài, cần coi trọng công tác cảnh báo sớm hơn là việc phát hiện, xử lý khi vụ việc xảy ra, đồng thời ngành y tế cần đẩy mạnh xây dựng các bệnh viện tư, hạn chế bổ nhiệm những người có chuyên môn trong nghiên cứu khoa học, chưa có kinh nghiệm quản lý để làm lãnh đạo. Mặt khác, cần hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, nhằm tạo cơ chế để tăng cường công tác kiểm soát nguồn tiền ra vào, góp phần hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực phát sinh. 

Có thể thấy rằng, hành vi vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đã ở mức báo động và cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, cơ quan lập pháp cũng cần sớm nghiên cứu, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, vật tư y tế; đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt đông mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, những ý kiến, những khuyến nghị được các vị khách mời thảo luận, đưa ra trong cuộc Tọa đàm ngày hôm nay sẽ là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan hữu quan tham vấn.

LINH NHI - LÂM HOÀNG

Tọa đàm 'Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư y tế'

Lê Minh Hoàng