/ Pháp luật - Đầu tư
/ Hoàn thiện khung pháp lý về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

Hoàn thiện khung pháp lý về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

22/11/2022 11:06 |

(LSVN) - Khung pháp lý về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành đầy đủ từ cấp Luật, Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát.

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Trong quá trình phát triển, thị trường đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, các cơ quan quản lý và Bộ Tài chính đã theo sát diễn biến thị trường để hoàn thiện chính sách. 

Theo đó, khung pháp lý về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành đầy đủ từ cấp Luật, Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. 

Tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, có 02 loại trái phiếu là trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. 

Trong đó, từ năm 2021, 2 phương thức phát hành trái phiếu được phân biệt cụ thể: trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép (thực hiện theo Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP); trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phảm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng (thực hiện theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP). 

Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính thường xuyên tuyên truyền về trái phiếu doanh nghiệp, làm rõ đặc điểm của sản phẩm này khác với sản phẩm tài chính của các Ngân hàng thương mại như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn. Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật.

Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường.

Đây cũng chính là các quy định để hạn chế nhà đầu tư cá nhân tiếp cận những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp khi không có khả năng phân tích, đánh giá và cũng là các quy định để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. 

Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát. Trước mắt, việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn.

VĂN QUANG

Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại

Loan B T Thanh