Hoạt động ghi âm ghi hình, việc sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong điều tra vụ án hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành

04/04/2024 22:42 | 1 tháng trước

(LSVN) - Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ cùng với vấn đề về quyền con người ngày càng được nâng cao đã đặt ra yêu cầu cho lĩnh vực tư pháp cần phải có những cải cách nhất định để đáp ứng những điều kiện trong tình hình mới. Trong hoạt động tư pháp, hỏi cung bị can là một mắt xích quan trọng của quá trình điều tra, truy tố, xét xử một vụ án hình sự cụ thể khi xảy ra.

Ảnh minh hoạ.

Một lý do phổ biến khi các nhà làm luật đưa ghi âm, ghi hình có âm thanh vào công tác hỏi cung bị can đó là nhằm tránh việc mớm cung, bức cung, nhục hình, có khi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người. Các nước trên thế giới cũng gặp vấn đề tương tự và nhận thấy việc đưa thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can để đảm bảo tính khách quan, trung thực của lời khai. Điều này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc điều tra một vụ án theo hướng chủ quan của điều tra viên. Bên cạnh đó, việc đề ra quy định tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là cần thiết để tạo ra chứng cứ pháp lý bảo đảm tính trung thực trong lời khai của bị can (tránh trường hợp bị can phản cung), đảm bảo việc tuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng của điều tra viên trong quá trình lấy lời khai, hoặc cũng có thể sử dụng để góp phần hoàn thiện việc truy tố tội phạm, chứng minh vô tội của bị can trước Toà án.

Khái niệm thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 được ban hành đã đánh dấu một bước phát triển mới của hoạt động lập pháp tố tụng hình sự Việt Nam trong việc kế thừa, phát huy những thành tựu lập pháp, kinh nghiệm thực tiễn và các tri thức tố tụng hình sự Việt Nam với việc kết hợp, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của khoa học luật tố tụng hình sự cùng kinh nghiệm lập pháp tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS năm 2015 đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Quy định về việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, lấy lời khai là một bước tiến dài trong quá trình tố tụng ở Việt Nam. Khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Quy định này được ban hành nhằm khắc phục những bất cập của BLTTHS năm 2003 khi triển khai trong thực tiễn, góp phần bảo đảm hoạt động hỏi cung bị can được diễn ra theo đúng pháp luật, tránh việc điều tra viên bức cung, dùng nhục hình, đồng thời tránh việc bị can phản cung hay vu khống, tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình.

Ngày 01/02/2018, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về “Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thành trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử” được ban hành và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 18/03/2018. Khoản 1 Điều 2 Thông tư đã đưa ra khái niệm về hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh như sau: Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh hoặc hình ảnh có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Khoản 2 Điều 2 Thông tư này cũng đã quy định rõ: “Phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là phương tiện, thiết bị ghi âm thanh hoặc ghi hình có âm thanh gồm: Thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Thông tư liên tịch này.”

Việc hỏi cung bị can, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng phải được tiến hành tại các phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thông tư cũng đã chỉ rõ các phòng ghi âm, ghi hình có âm thanh này phải là phòng chuyên dụng và bảo đảm đủ các điều kiện về diện tích, ánh sáng, an toàn và được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đạt chất lượng về âm thanh và hình ảnh.

Như vậy, thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can có căn cứ pháp lý, được quy định trong BLTTHS năm 2015 và được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP. Do đó, việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can được pháp luật cho phép, đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 và bảo vệ quyền lợi của công dân.

Nguyên tắc áp dụng và các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng ghi âm, ghi hình có âm thanh

Theo Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là một bộ phận của hồ sơ vụ án hình sự được sử dụng, bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về sử dụng, bảo quản và lưu trữ hồ sơ vụ án hình sự.

Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải tuân thủ các quy định của BLTTHS và theo đúng trình tự, thủ tục hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này, đồng thời bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Thông tư cũng nghiêm cấm việc tự ý chỉnh sửa, cắt, ghép, giả mạo, hủy trái phép, làm sai lệch, làm hư hỏng, làm thất lạc dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sao chép, phát tán, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh ngoài các mục đích quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này; làm lộ, lọt thông tin vụ án hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, việc phá hủy cơ sở vật chất, cố ý làm hư hỏng hoặc sử dụng không đúng mục đích các phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như sau:

Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đăng ký với cán bộ chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để được bố trí phòng chuyên dụng, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. Sau đó, cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội làm thủ tục trích xuất đối với bị can bị tạm giam hoặc triệu tập bị can đang tại ngoại (hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội) theo quy định của pháp luật (không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp đối chất với bị can đang bị tạm giam). Khi được bố trí phòng làm việc, cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đến phòng làm việc, thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.

Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bắt đầu từ khi cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội nhấn nút bắt đầu, cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đọc thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản. Trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời khai có thể tạm dừng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bằng cách nhấn nút tạm dừng. Trước khi tạm dừng cán bộ hỏi cung, lấy lời khai phải đọc rõ thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng, khi tiếp tục làm việc cũng phải đọc rõ thời gian tiếp tục, quá trình này được ghi rõ trong biên bản. Kết thúc buổi làm việc, cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết buổi hỏi cung hoặc lấy lời khai kết thúc và nhấn nút kết thúc, thời gian kết thúc ghi rõ trong biên bản.

Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Trường hợp đang hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Trường hợp hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết, nếu họ đồng ý thì tiến hành làm việc, trường hợp họ không đồng ý thì không được hỏi cung, lấy lời khai. Trường hợp đang hỏi cung, lấy lời khai mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự

cố kỹ thuật thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết, nếu họ đồng ý tiếp tục làm việc thì vẫn tiến hành hỏi cung, lấy lời khai. Trường hợp bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội không đồng ý tiếp tục làm việc thì dừng buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này phải ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Về bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung, hệ thống máy chủ đặt tại trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do các cơ quan này cử cán bộ chuyên môn quản lý, bảo quản; Hệ thống máy chủ đặt tại cơ sở giam giữ do Cơ quan điều tra có thẩm quyền cử cán bộ chuyên môn của Cơ quan điều tra quản lý, bảo quản. Đối với các phương tiện, thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh di động thì đơn vị nào đang thụ lý, giải quyết vụ án thì đơn vị đó có trách nhiệm quản lý, bảo quản.

Khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự, giai đoạn truy tố, cán bộ chuyên môn sao chép dữ liệu kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh vào thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu và bàn giao cho cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội bàn giao thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu cùng hồ sơ vụ án phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.

Việc sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong điều tra vụ án hình sự

Trước tình hình thực tế, BLTTHS năm 2015 được ban hành có 11 điểm mới trong đó quy định về vấn để sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can. Theo Khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Để cụ thể hoá quy định trong BLTTHS năm 2015, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP đã hướng dẫn về trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Đây là văn bản, là cơ sở cho các cán bộ khi tiến hành hỏi cung cần phải lưu ý khi áp dụng. Theo Thông tư liên tịch, trước khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai phải đăng ký với cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan liên quan để cơ quan đó bố trí phòng phục vụ việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. Văn bản liên ngành cũng quy định, trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai. Điều này thể hiện rất rõ sự quyết tâm thực hiện hạn chế đến mức thấp nhất vấn đề bức cung, nhục hình trong hoạt động hỏi cung bị can.

Tại Điều 7 Thông tư liên tịch cũng đã quy định rõ về việc sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố. Theo đó, trong giai đoạn điều tra: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Cấp trưởng, cấp phó cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên, cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh để phục vụ công tác điều tra trong trường hợp bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thay đổi lời khai so với lời khai đã khai trước đó; Sử dụng, đánh giá chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của bị can, pháp nhân thương mại và đồng phạm khác (nếu có), đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội.

Như vây, theo quy định tại Thông tư, Kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được sử dụng trong  03 trường hợp cụ thể: (01) bị can hay người liên quan thay đổi lời khai. (02) Kết quả này cũng được dùng để đánh giá chứng cứ nhằm làm rõ hành vi phạm tội của bị can, người liên quan. (03) Đồng thời, kết quả ghi âm hay ghi hình giúp cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra.

Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can là rất tiến bộ, phù hợp với thực tiễn, hạn chế đến mức tối đa tình trạng ép cung, mớm cung, đánh đập bị can, hạn chế thấp nhất những vụ án oan sai trong tương lai gần. Việc có các bản ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung, lấy lời khai làm tăng tính khách quan của quá trình điều tra, hạn chế bức cung nhục hình. Đồng thời, đó là căn cứ vật chất quan trọng khẳng định bị can có tội hay không có tội, tiến tới chấm dứt oan sai trong hoạt động tố tụng. Đây là một cải cách quan trọng mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ những người vô tội bằng cách tạo ra một hồ sơ rõ ràng về những vấn đề xảy ra trong phòng hỏi cung.

Với ý nghĩa quan trọng trong quá trình tố tụng như vậy, song thực tế triển khai, có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Việc lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình, hệ thống máy chủ, máy ghi trực tiếp ở các phòng hỏi cung rất tốn kém, trong khi kinh phí đưa ra trong các đề án thực hiện quá hạn hẹp, không thể giải quyết nổi. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy định này chưa thể làm được ngay trong thời gian ngắn, trong đó khó nhất là yêu cầu về chuyên môn: Người được giao nhiệm vụ này được đào tạo ở đâu, có được phân công điều tra vụ án đó hay không? Ghi âm, ghi hình có âm thanh thì khâu bảo quản ở đâu, thế nào, bảo quản trong môi trường bình thường có bảo đảm không? Đó là chưa kể do thực hiện thủ công, nên có thể có sự sai lệch.

Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của việc đưa thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can. Quy định này là một bước tiến bộ đột phá trong cải cách tư pháp, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của bị can nói riêng. Khi vấn đề này được tuân thủ nghiêm minh thì tình trạng các bị cáo khai trước toà về việc bị bức cung, dùng nhục hình sẽ bị hạn chế. Quá trình hỏi cung bị can, lấy lời khai sẽ trở nên văn minh hơn, tôn trọng quyền con người theo đúng tinh thần xây dựng nền tư pháp tiến bộ.

VÕ HOÀNG QUỐC

Văn phòng Chính phủ

Một số vướng mắc, bất cập về tội ‘Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi’ và kiến nghị hoàn thiện

Từ khoá : lsvn.vn LSVN