(LSVN) - Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường mà vừa được ban hành để lấy ý kiến góp ý.
Theo dự thảo, học sinh sinh viên có thành tích tốt trong thể thao được tuyển chọn, cử tham gia thi đấu các giải, đại hội thể thao cấp cơ sở, toàn quốc, quốc tế. Học sinh có năng khiếu thể thao được tuyển chọn đào tạo tại các trường năng khiếu thể thao theo quy định.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định áp dụng đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (sau đây gọi chung là nhà trường); cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan. Dự thảo quy định không áp dụng đối với trường dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng; trường đào tạo chuyên ngành thể dục thể thao.
Về nhiệm vụ của người học, Dự thảo Thông tư nêu, người học tham gia các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao theo kế hoạch của nhà trường, ngành Giáo dục; câu lạc bộ các môn thể thao theo sở thích, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Nếu tham gia các hoạt động thi đấu thể thao do các tổ chức khác đề nghị phải được nhà trường cho phép. Hằng năm, phải hoàn thành các nội dung kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực theo quy định hiện hành.
Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định, học sinh, sinh viên tham gia hoạt động thể thao được hưởng những quyền nổi bật sau:
Học sinh, sinh viên có thành tích thể thao được tuyển chọn, cử tham gia thi đấu các giải, đại hội thể thao cấp cơ sở, toàn quốc, quốc tế.
Học sinh được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích khi tham gia các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo các quy định hiện hành đối với những học sinh, sinh viên đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Bộ GD&ĐT chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Học sinh, sinh viên được nhà trường, giáo viên, giảng viên giúp đỡ hoàn thành chương trình môn học Giáo dục thể chất và tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên có những bệnh lý bẩm sinh được tham gia tập luyện với nội dung và hình thức phù hợp.
Học sinh, sinh viên được các cấp quản lý ngành Giáo dục cử tham gia các giải thi đấu thể thao phải nghỉ học quá 45 ngày, được nhà trường bồi dưỡng phụ đạo để bảo đảm kiến thức và đủ điều kiện tham dự các kỳ thi theo quy định.
Học sinh, sinh viên là vận động viên tập trung tập luyện ở đội tuyển quốc gia hoặc ở trung tâm đào tạo vận động viên các tỉnh, thành phố và quốc gia được cơ quan quản lý ngành Giáo dục các cấp tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục được học tập thường xuyên nhằm bảo đảm trình độ học vấn phổ thông và trình độ đào tạo theo độ tuổi với hình thức phù hợp.
Cũng theo Dự thảo, kinh phí được trích từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm để tổ chức hoạt động thể thao. Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao. Hoặc nguồn kinh phí từ việc khai thác dịch vụ các công trình thể thao của nhà trường phục vụ cho việc xây mới, bảo trì và phát triển phong trào thể thao trong nhà trường, trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nhu cầu học tập và tập luyện của học sinh, sinh viên.
Đồng thời, nhà trường phải lồng ghép, kết nối cùng với môn học Giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục các cấp học bảo đảm tính liên thông, góp phần phát triển toàn diện thể thao trường học. Bên cạnh đó, việc tổ chức phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc phải phù hợp với truyền thống và điều kiện thực tế của địa phương.
AN NHIÊN