/ Tin tức
/ Học viện Tư pháp đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển

Học viện Tư pháp đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển

27/02/2023 11:06 |

(LSVN) - Sáng ngày 25/02/2023, Học viện Tư pháp đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển.

Tham dự buổi lễ về phía Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội có ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Yểu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. 

Về phía Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương có ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà; ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp Hội Công chứng viên Việt Nam; ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

Về dự buổi Lễ còn có sự hiện diện của Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh hóa học, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp Hội công chứng viên Việt Nam, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Về phía Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Đảng ủy Bộ Tư pháp có ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bà Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; ông Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp. 

Về các đoàn khách quốc tế có đồng chí Văn – Nạ - Xay Thếp – Thị - Lạt, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam.

Về phía Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Học viện Tư pháp có ông Nguyễn Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tư pháp; ông Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp; ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp; các Phó Giám đốc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp.

Tham dự buổi Lễ còn có Lãnh đạo các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ Tư pháp; Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, Công an TP. Hà Nội, Sở Tư pháp TP. Hà Nội, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; chính quyền địa phương; các tổ chức, Văn phòng Luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại; các đơn vị là đối tác liên kết đào tạo với Học viện; các cơ quan thông tấn, báo chí; các thế hệ lãnh đạo, viên chức, giảng viên, người lao động, học viên Học viện Tư pháp qua các thời kỳ.

Ngày 25/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp - tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp được thành lập theo Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg ngày 11/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển (11/02/1998-11/02/2023), Học viện Tư pháp đã khẳng định vị thế là trung tâm lớn nhất của cả nước về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, góp phần tạo nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cho xã hội. Tính đến nay, Học viện đã đào tạo được 78.668 học viên, bồi dưỡng được 59.155 lượt người học. Cùng với kết quả đào tạo và bồi dưỡng, hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu, học liệu được xây dựng phong phú, đa dạng; hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng mang tính ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; công tác hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng, phát triển về chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Học viện Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên, các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp Lào trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Học viện Tư pháp Quốc gia Lào”.

Với những kết quả nêu trên, Học viện Tư pháp đã cung cấp nguồn các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế có đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu công việc, hoạt động nghề nghiệp, khẳng định là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng; góp phần chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp được đề ra tại các Chiến lược của Đảng, Nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước và thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới. 

Đặc biệt, ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1155/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, với mục tiêu tổng quát là: Khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực”.  

Phát biểu chào mừng tại buổi Lễ, ông Nguyễn Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tư pháp cảm ơn ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các vị khách quý đã có mặt tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và Gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển để cùng chung vui với các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động và học viên của Học viện Tư pháp. 

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Thành lập, Học viện Tư pháp vô cùng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và của xã hội đối với với các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động và học viên của Học viện Tư pháp. 

Trong chặng đường 25 năm đó, Học viện Tư pháp luôn nhận được sự động viên, khích lệ và sự quan tâm đặc biệt của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan, các tổ chức hành nghề luật trong cả nước. Đóng góp vào hành trình phát triển của Học viện Tư pháp còn có sự quyết tâm mạnh mẽ của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động và học viên của Học viện, trong đó công sức đóng góp quan trọng nhất là sự phấn đấu gian khổ của các thế hệ nhà giáo là giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng, đã tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn, vận dụng sáng tạo mô hình, kinh nghiệm đào tạo chức danh tư pháp của các nước tiên tiến để xây dựng mô hình đào tạo và phát triển hoạt động đào tạo nghề tư pháp ở Việt Nam. Từ đó, mô hình, kỹ năng, phương pháp đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam được hình thành, mang đậm dấu ấn của triết lý đào tạo “Thực dạy, Thực học, Thực nghề”, phù hợp với tuyên ngôn sứ mệnh và tầm nhìn của một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp như Học viện Tư pháp.

Quyết định số 1155/QĐ-TTg được ban hành là sự ghi nhận kết quả, khẳng định sự đóng góp đồng thời cũng là sự kỳ vọng của Đảng, Chính phủ đối với Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật và pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; nâng tầm và mở ra nhiều cơ hội cho Học viện Tư pháp trong chặng đường sắp tới. Với yêu cầu cao hơn về mục tiêu, nhiệm vụ và cả về số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từ nay đến năm 2030, việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ vào vai trò của Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp trong công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có chất lượng cho đất nước, nhất là trong bối cảnh Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với các giải pháp cụ thể về đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Đối với Học viện Tư pháp, đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức lớn đối với đội ngũ viên chức, người lao động. Một mặt, tạo cơ hội cho Học viện Tư pháp tiếp tục được tạo cơ hội để khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp cho Việt Nam; bồi dưỡng, tạo nguồn bổ nhiệm các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, các chức danh quản lý lãnh đạo không chỉ cho Bộ, ngành Tư pháp mà còn cho nhiều Bộ, ngành khác và các địa phương trên cả nước; đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý để nhà nước và xã hội đầu tư cho sự phát triển của Học viện Tư pháp trong thời gian tới. Mặt khác, với việc mở rộng hơn phạm vi đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp so với giai đoạn trước, cùng với yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế, việc triển khai thực hiện Đề án này cần có bước đột phá trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế pháp lý về tiêu chuẩn các nghề tư pháp, bổ trợ tư pháp, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, về chuẩn đào tạo (chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn học liệu…). Đây chính là những thách thức không nhỏ mà Học viện Tư pháp phải đối mặt trong thời gian tới. Nếu Học viện Tư pháp tận dụng được thời cơ và vượt qua được những thử thách nêu trên thì vị thế của Học viện Tư pháp không chỉ được khẳng định trong phạm vi quốc gia, mà còn vươn tầm khu vực và có thể còn xa hơn nữa.

Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, các Lãnh đạo Bộ Tư pháp qua các thời kỳ; các Bộ, ban, ngành Trung ương; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn Luật sư, Hiệp hội Công chứng viên, Hội đấu giá, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá; thừa phát lại; các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan thi hành án địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo, các đơn vị liên kết, các đối tác nước ngoài và các tổ chức, cá nhân. 

Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu cũng bày tỏ lòng tri ân đến các thế hệ lãnh đạo, các Thầy giáo, Cô giáo là giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng, các viên chức, người lao động và học viên của Học viện Tư pháp – những người đã bằng tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình đã chung tay tạo nên thành quả ngày hôm nay, tạo nền tảng vững chắc cho hành trình phát triển phía trước của Học viện Tư pháp. Trong bối cảnh tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ động hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp, Đảng ủy, Lãnh đạo cùng tập thể viên chức, người lao động và học viên của Học viện cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực toàn diện, mở rộng hợp tác quốc tế, hoàn thiện các thiết chế đào tạo, xây dựng Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Nhiệm vụ đặt ra cho Học viện là rất nặng nề, nhiều khó khăn thử thách, nhất là để đáp ứng nhu cầu về số lượng, yêu cầu về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học theo theo Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, nhưng Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu  tin rằng với truyền thống đoàn kết, sự tâm huyết đầy trách nhiệm của toàn thể đội ngũ giảng viên, viên chức, người lao động trong sự nghiệp trồng người, nhất định chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách, tiếp tục đưa Học viện Tư pháp phát triển lên tầm cao mới, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp của toàn thể viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp.

Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp của toàn thể viên chức, người lao động của Học viện cho Bộ, ngành và cho đất nước trong suốt 25 năm qua; cảm ơn các thế hệ nhà giáo, viên chức, người lao động, học viên của Học viện Tư pháp qua các thời kỳ đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ vào chặng đường 25 năm phát triển đáng tự hào của Nhà trường; góp phần vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế và sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo nước nhà. 

Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới được đặt ra cho Bộ, ngành Tư pháp nói chung, cho công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp tư pháp nói riêng. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp phải xây dựng được đội ngũ cán bộ tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp thành thạo nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ mới, hết sức nặng nề mà Bộ, ngành Tư pháp được giao, trong đó vai trò, nhiệm vụ của Học viện Tư pháp trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tư pháp là hết sức quan trọng. Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Học viện Tư pháp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp; có kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm thực hiện quyết liệt, hiệu quả để sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; Học viện Tư pháp cần tập trung xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động có đủ năng lực, phẩm chất, lòng nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy ứng dụng nghề luật; phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa công tác quản lý Nhà nước về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp với thực tiễn hành nghề luật nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, gắn kết giữa kỹ năng nghề và đạo đức nghề nghiệp; đào tạo chung các chức danh; tiếp tục chú trọng xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo đặt hàng của cơ quan nhà nước bảo đảm bám sát định hướng, yêu cầu thực tiễn pháp lý của đất nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp, kết nối nhằm làm giàu thêm, kinh nghiệm đào tạo, phát triển chương trình, môi trường đào tạo thực sự có tính mở, sáng tạo, liên ngành và tiệm cận với khu vực và thế giới.

Với truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển rất đáng tự hào, với đội ngũ các thế hệ thầy giáo, cô giáo, giàu trí tuệ và tâm huyết, Bộ trưởng Lê Thành Long tin tưởng rằng Học viện Tư pháp sẽ đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong chặng đường phát triển tiếp theo, thực hiện tốt sứ mệnh của nhà trường, thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

THANH HƯƠNG

Đẩy mạnh việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip

Bùi Thị Thanh Loan