/ Nhìn ra thế giới
/ Hội nghị Ngoại trưởng EU: Lần đầu cân nhắc cơ chế trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga

Hội nghị Ngoại trưởng EU: Lần đầu cân nhắc cơ chế trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga

22/02/2021 13:29 |

(LSVN) - Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu ngày 22/02 họp trực tuyến nhằm tìm đối sách chung ứng phó với Nga sau khi nước này từ chối đề nghị trả tự do cho nhân vật đối lập nhiều tai tiếng Alexei Navalny.

Cuộc họp có thể chứng kiến việc lần đầu tiên Liên minh Châu Âu kích hoạt cơ chế trừng phạt quốc tế  nhằm vào Nga. Bước đi có thể đẩy quan hệ hai bên tới một nấc thang căng thẳng mới.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Joseph Borrells. Ảnh: avrupa.

Một quan chức Châu Âu cho biết, một thỏa thuận chính trị có thể đạt được tại cuộc họp và sau đó các chuyên gia Liên minh Châu Âu sẽ cân nhắc những mục tiêu cụ thể. Sức ép trừng phạt gia tăng sau khi Nga hồi đầu tháng này trục xuất các nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển, với cáo buộc tham gia các cuộc biểu tình trái phép. Đáng chú ý quyết định đưa ra đúng thời điểm Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu Joseph Borrells đang có chuyến thăm Moscow.

Ban đầu được kỳ vọng sẽ góp phần làm tan băng mối quan hệ Nga - Liên minh Châu Âu, song chuyến thăm đầu tiên của một quan chức ngoại giao hàng đầu Liên minh Châu Âu tới Nga kể từ năm 2017 đã không mang lại kết quả đáng kể nào, thậm chí có dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã bị đẩy lên mức cao độ hơn. Dưới áp lực của các Nghị sĩ Châu Âu, ông Joseph Borrells đã hứa sẽ sử dụng quyền chủ động để đề xuất các biện pháp trừng phạt cụ thể chống lại Nga:

“Một điều rõ ràng là Nga không có ý định tham gia vào một cuộc thảo luận mang tính xây dựng. Các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu sẽ quyết định các bước tiếp theo và tất nhiên có thể bao gồm cả các biện pháp trừng phạt. Tôi sẽ sử dụng quyền chủ động mà một Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại để đưa ra những đề xuất cụ thể", ông Joseph Borrells nói.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng các nước thành viên dự kiến thảo luận khả năng lần đầu tiên áp dụng cơ chế trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga liên quan tới việc xét xử nhân vật đối lập Alexei Navalny. Một nhóm các quốc gia thành viên, bao gồm Pháp và Đức, đã kêu gọi một cách tiếp cận có mục tiêu hơn và bỏ qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi một nhóm khác, dẫn đầu là Ba Lan và các nước Baltic, lại kêu gọi “chơi một trận lớn”, bao gồm cả trừng phạt kinh tế bổ sung.

 Một bước đi nếu được thực hiện có nguy cơ đẩy quan hệ giữa Nga và Châu Âu lên một nấc căng thẳng mới. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng cảnh báo, nước này không loại trừ những bước đi mạnh bạo hơn nếu Liên minh Châu Âu tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt:

“Chúng tôi sẵn sàng tiến hành bước đi này nếu một lần nữa phải chứng kiến những biện pháp trừng phạt gây tổn hại đến nền kinh tế của chúng tôi. Xin nhắc lại một lần nữa chúng tôi không muốn cô lập mình với thế giới, nhưng chúng tôi cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Có câu nếu muốn bạn có hòa bình, bạn phải chuẩn bị cho chiến tranh”, ông Sergei Lavrov nhấn mạnh.

Sau cuộc họp nội bộ, các Ngoại trưởng Liên minh Châu Âu sẽ có một cuộc họp kéo dài hai giờ với tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để thảo luận về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Theo một quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu, mọi vấn đề trong quan hệ hai bên sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Ngoài ra, Liên minh Châu Âu cũng đang thúc đẩy một cuộc họp giữa Mỹ, Iran và những bên ký kết còn lại của thỏa thuận hạt nhân, bao gồm cả Nga trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận sau khi cựu Tổng thống Trump quyết định rút khỏi vào năm 2018..

THU HOÀI/VOV

Chính sách 'Nước Mỹ trở lại' sẽ giúp Tổng thống Biden khôi phục vị thế của Mỹ?

Lê Minh Hoàng