(LSVN) - Ngày 22/12/2020, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì Hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Kim Tinh – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp; các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban nội chính Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ nội vụ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cùng Ban giám đốc và cán bộ chủ chốt của Học viện Tư pháp.
Thực hiện Quyết định 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1764/QĐ-BTP ngày 28/7/2014 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án từ năm 2014 đến năm 2020 với 26 nhiệm vụ, giao cho Vụ tổ chức cán bộ và Học viện Tư pháp làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
Để đảm bảo việc triển khai Đề án 2083 được thực hiện một cách toàn diện, thiết thực, hiệu quả, có chất lượng, Bộ Tư pháp cũng đã đưa nhiệm vụ thực hiện Đề án vào Chương trình trọng tâm cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020 của ngành Tư pháp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Tư pháp, Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020 và hằng năm của Bộ, ngành Tư pháp. Bộ Tư pháp quán triệt sâu sắc các yêu cầu của sự nghiệp cải cách tư pháp đối với hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp; thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Đề án 2083, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh gợi mở các vấn đề cần trao đổi và đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tham luận ngắn gọn, thảo luận thẳng thắn, đánh giá những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Quyết định 2083. Thứ trưởng cũngmong muốn các quý vị đại biểu với bề dày kiến thức, kinh nghiệm phong phú trong quản lý, giảng dạy sẽ chia sẻ, trao đổi, thảo luận, và hiến kế để Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định định hướng, phương hướng phát triển đối với Học viện Tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế sâu rộng trong giai đoạn phát triển mới.
Thay mặt đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối thực hiện Đề án, Phó giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu báo cáo kết quả thực hiện Đề án. Qua 07 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, các Bộ, ngành và địa phương liên quan và đặc biệt là Học viện Tư pháp đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả đáng khích lệ: Cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của Đề án, tạo chuyển biến mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, nghiên cứu khoa học pháp lý cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước và toàn xã hội; Học viện Tư pháp tiếp tục khẳng định vai trò là đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiều học viên do Học viện đào tạo được đảm trách những chức vụ quan trọng trong hệ thống cơ quan tòa án, kiểm sát, thi hành án các cấp, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng và đấu giá;Quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp từng bước được phát triển, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và hình thức liên kết đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu xã hội theo đúng mục tiêu Đề án đề ra. Học viện cũng rất nỗ lực trong việc cập nhật, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới phù hợp với những thay đổi của pháp luật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp và nguồn nhân lực Việt Nam;Đội ngũ giảng viên được phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Mặc dù số lượng giảng viên cơ hữu chưa đạt so với mục tiêu của Đề án do nhiều lý do khách quan nhưng Học viện cũng đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên cơ hữu; chú trọng thu hút, lựa chọn các giảng viên thỉnh giảng (đã phát triển được đội ngũ 618 giảng viên thỉnh giảng ở hai miền) có chức danh tư pháp, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng;Nghiên cứu khoa học có nhiều tiến bộ, nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, đóng góp thiết thực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Trong giai đoạn 2014-2020, Học viện đã bảo vệ thành công 04 đề tài khoa học cấp Bộ, 50 đề tài, đề án khoa học cấp cơ sở, tổ chức 57 hội nghị, hội thảo khoa học, xây dựng 35 chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Công tác hợp tác quốc tế của Học viện cũng đã định hình, ngày càng đi vào chiều sâu.
Đặc biệt với Dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam, Học viện Tư pháp đã làm tốt vai trò là đầu mối chủ trì thực hiện Dự án; đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án, kỹ năng xét xử, kỹ năng kiểm sát, nghề luật sư, nghề công chứng, kỹ năng xây dựng văn bản pháp luật cho 150 công chức, giảng viên của Cộng hòa DCND Lào; đã và đang hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào xây dựng 03 chương trình đào tạo, 03 chương trình bồi dưỡng, 10 bộ giáo trình, 03 bộ tài liệu bồi dưỡng đáp ứng mục tiêu của Dự án; Cơ sở vật chất, phương tiện dạy học được đầu tư hiện đại; cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra của Đề án, nhất là đối với các mục tiêu cụ thể đề ra trong từng giai đoạn của Đề án thì những kết quả đạt được của Học viện Tư pháp còn khá khiêm tốn; thể hiện ở một số hạn chế, bất cập như: Chưa xây dựng được chương trình đào tạo; Hoạt động đào tạo một số chức danh như thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên không đảm bảo chỉ tiêu được giao; Quy mô đào tạo trong hai giai đoạn thực hiện Đề án mới đạt gần 58% so với mục tiêu đề ra; Quy mô bồi dưỡng đạt được rất thấp so với chỉ tiêu đề ra; Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện chưa thực sự có tính ứng dụng cao; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập còn hạn chế; Việc phát triển đội ngũ giảng viên vẫn còn nhiều khó khăn; Một số văn bản, thể chế về đào tạo các chức danh tư pháp chưa được hoàn thành theo tiến độ; Học viện chưa thực sự chủ động trong việc đổi mới, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để tận dụng các cơ hội trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi, đóng góp ý kiến làm sâu sắc thêm những kết quả đạt được và nguyên nhân của các hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, Hội nghị cũng nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đề ra là phát triển Học viện Tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mở rộng quy mô và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngang tầm khu vực và tiếp cận gần hơn với trình độ quốc tế.
Đánh giá kết quả thực hiện Đề án, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề cao vai trò quan trọng của người đứng đầu; sự năng động, khả năng quản trị của Học viện cũng như tính chủ động trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Thứ trưởng nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được xác định, đề ra trong báo cáo và các biện pháp cụ thể đã được các đại biểu cho ý kiến, đề nghị Học viện Tư pháp tiếp thu nghiêm túc để triển khai.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh giao Học viện Tư pháp Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ; Nghiên cứu, đề xuất các nội dung hợp lý, khả thi của Quyết định điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án và lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp chặt chẽ với Học viện Tư pháp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ quy trình, thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Đề án những năm tiếp theo. Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương có liên quan quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
THANH HƯƠNG