(LSVN) - Triển khai kế hoạch hoạt động Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” do tổ chức JICA tài trợ, sáng ngày 28/11/2020 Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Dự án JICA, Nhật Bản tổ chức Hội thảo với chủ đề “Góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gồm: Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Luật sư Nguyễn Văn Trung.
Về phía dự án JICA, Nhật Bản có Luật sư Edagawa Mitsushi, chuyên gia Dự án JICA tại Việt Nam. Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an cùng các Luật sư là Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc.
Mở đầu Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đồng thời, đã hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các Luật sư thành viên Liên đoàn. Từ đó, tạo lập được niềm tin của chính đội ngũ Luật sư vào ngôi nhà chung là Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc thực hiện chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư. Để công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư hiệu quả, khoa học, chặt chẽ thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có sửa đổi bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam".
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thành lập tổ công tác sửa đổi Điều lệ qua nhiều lần đóng góp ý kiến từ các Đoàn Luật sư, các Luật sư thành viên, Dự thảo Điều lệ đã được dần hoàn thiện. Trong khuôn khổ của Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và Thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” giai đoạn 2015-2020 do dự án JICA, Nhật Bản tài trợ, dự án JICA tiếp tục hỗ trợ cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo về đóng góp ý kiến, sửa đổi Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trước khi Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua để trình Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Edagawa Mitsushi bày tỏ vui mừng khi dự án JICA tiếp tục đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo này. Ông cũng cho biết, đây cũng là một trong những nội dung được hai bên cùng trao đổi tại chuyến công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Nhật Bản vào tháng 01/2019.
Luật sư Edagawa Mitsushi cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với ban soạn thảo, tổ biên tập đã đầu tư nhiều thời gian công sức cho việc sửa đổi bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. "Xét từ cá nhân tôi, từ góc nhìn của một người nước ngoài hay là của một Luật sư Nhật Bản thì trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam ngày càng phát triển cũng như sự tăng trưởng, lớn mạnh của đội ngũ Luật sư Việt Nam thì việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một điều hết sức cần thiết", Luật sư Edagawa Mitsushi nói.
Ông cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một công việc vô cùng vất vả nhưng rất nhiều ý nghĩa.
Trong phần trình bày Báo cáo về việc tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với Dự thảo sửa đổi Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Đại diện Tiểu ban xây dựng Dự thảo cho biết, thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-BTV ngày 22/7/2017 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kế hoạch hoạt động năm 2017, 2018, 2019 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Theo đó, Liên đoàn đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Điều lệ. "Để có được dự thảo 6 hoàn thiện, là sự kết tinh từ rất nhiều ý kiến đóng góp của Đoàn Luật sư các tỉnh, thành cùng với sự làm việc miệt mài của Tổ Xây dựng Dự thảo. Chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của các Luật sư trong buổi Hội thảo lần cuối cùng để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo, trình Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua”, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tâm phát biểu.
Nội dung thảo luận đã được các Luật sư hết sức quan tâm, với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết nhằm hoàn thiện Dự thảo.
Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần có 1 điều riêng quy định về Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Theo Luật sư Ninh, không thể "gộp" Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào một khoản trong Thường trực Liên đoàn. "Điều này làm mờ đi địa vị pháp lý của người đứng đầu tổ chức Luật sư toàn quốc, trong khi đó Tổng Thư ký lại được quy định riêng tại Điều 10", Luật sư Ninh nói.
Cũng theo Luật sư Ninh, nên bổ sung thêm từ “trụ sở” vào khoản 1 Điều 15 thành “Đoàn Luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở”.
Về vấn đề nhiệm kỳ của các Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, nhiệm kỳ của Chủ nhiệm Đoàn Luật sư không nên do nội quy Đoàn Luật sư quy định mà cần phải quy định trong Điều lệ.
"Nếu Đoàn Luật sư dưới 30 Luật sư thì sẽ không quá 3 nhiệm kỳ liên tiếp, còn với những Đoàn Luật sư lớn hơn thì hoàn toàn có thể không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp", Luật sư Tám nói.
Đóng góp ý kiến tại Điều 7 của Dự thảo, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP. HCM nêu ý kiến, Hội đồng Luật sư toàn quốc nên họp mỗi năm 2 lần, áp dụng hình thức họp trực tuyến.
Luật sư Nghĩa cũng nêu ý kiến ủng hộ việc phải có điều khoản riêng cho chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời nên nghiên cứu sâu giúp các Ban Chủ nhiệm làm tốt hơn nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, một số vấn đề như việc xử lý kỉ luật Luật sư khi chậm đóng phí thành viên, thành lập thêm Ủy ban thuộc Liên đoàn Luật sư nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế... được các thành viên tham gia thảo luận sôi nổi.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Edagawa Mitsushi đã nêu lên một số kinh nghiệm mà Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đang áp dụng như: thời gian nhiệm kỳ của các Đoàn Luật sư địa phương, thu phí thành viên, các ủy ban chuyên môn...
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các Luật sư, thay mặt Tổ soạn thảo Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tâm đã tổng kết các nội dung thảo luận. Theo Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tâm, những ý kiến của các Luật sư tại Hội thảo sẽ được Tổ soạn thảo tiếp thu, chọn lọc, sửa chữa bổ sung vào Dự thảo trước khi trình Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua.
TRÀ MY - MỸ LINH