/ Đời sống - Xã hội
/ Hội thảo khoa học cấp quốc gia Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật

Hội thảo khoa học cấp quốc gia Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Sáng ngày 30/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia năm 2020 “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì và phát biểu tổng kết Hội thảo.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Ảnh: Bộ Tư pháp.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành  Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành  Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Mai Lương Khôi. Cùng tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo một số Ban, Bộ, Ngành, Ủy ban của Quốc hội, tổ chức đoàn thể, chuyên gia và các nhà khoa học.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích: Tiếp tục học tập, nghiên cứu để nhận diện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện từ đó khẳng định giá trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; Đánh giá thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới của nước ta; Đề xuất nhu cầu, quan điểm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Với ý nghĩa đó, Hội thảo được tổ chức với một số nội dung chính, như sau: Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật (nguồn gốc hình thành, đặc trưng cơ bản và các yếu tố chi phối quá trình hình thành và phát triển; quan niệm về dân chủ và Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật...); Thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam; bài học kinh nghiệm cho công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới của nước ta; Nhu cầu, quan điểm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng Chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nói riêng chúng ta nhận thấy đó là tư tưởng về Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với “thần linh pháp quyền” trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật. Đó là tư tưởng về xây dựng hệ thống pháp luật chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người được thực thi nghiêm minh. Đó là tư tưởng về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong cầm quyền.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN cùng hệ thống pháp luật phát triển toàn diện, dựa trên nền tảng Hiến pháp và các đạo luật.

Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, đòi hỏi công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng cần có những bước phát triển vững chắc hơn. Bối cảnh đó đã và đang đặt ra những nhu cầu cấp thiết tiếp tục nghiên cứu, nhận diện sâu sắc hơn nữa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước về pháp luật cũng như đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người.

Hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quan trọng này,  Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề: nguồn gốc hình thành, đặc trưng cơ bản và các yếu tố chi phối quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong 75 năm qua, nhất là trong 35 năm đổi mới; giải pháp vận dụng sâu sắc hơn tư tưởng của Người trong giai đoạn mới để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn từ nay tới 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang thể hiện…

Tiếp đó, Hội thảo đã được nghe các nhà khoa học, đại diện các Ban, Bộ, ngành trung ương trình bày các tham luận về: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước; tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, của hệ thống TAND theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Quan điểm Hồ Chí Minh về bản chất, vai trò, giá trị của pháp luật và mối quan hệ pháp luật với dân chủ, đạo đức; tư tưởng HCM về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và vận động nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

PV

/hoi-luat-quoc-te-viet-nam-gop-phan-thu-hut-su-ung-ho-quoc-te-ve-lap-truong-cua-viet-nam-o-bien-dong.html
/hoi-luat-quoc-te-viet-nam-gop-phan-thu-hut-su-ung-ho-quoc-te-ve-lap-truong-cua-viet-nam-o-bien-dong.html