/ Đời sống - Xã hội
/ Hội thảo khoa học quốc tế: 'Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản'

Hội thảo khoa học quốc tế: 'Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản'

05/12/2022 09:33 |

(LSVN) - Nhân dịp kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ngày 03/12/2022, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản". Tham gia hội thảo có khoảng 250 đại biểu trong nước và Quốc tế, trong đó có 08 nhà nghiên cứu, dịch giả nước ngoài và 7 đại diện Đại sứ Quán các nước tại Việt Nam (Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Newzealand). Hội thảo tập trung thảo luận 04 vấn đề xung quanh đến thân thế, cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương.

Các đại biểu dự hội thảo về nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Tại kỳ họp Hội đồng UNESCO lần thứ 14 diễn ra từ ngày 09 đến 24/11/2021 tại Paris (Pháp) đã thông qua danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh /năm mất. Tại kỳ họp này, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh.  

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Phi Diễn - một nhà nho ở làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Bà là một hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt với cả một hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca; Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ. Di sản của Hồ Xuân Hương không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp.

Nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương - nhà thơ kiệt xuất, được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm” với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm tiếng Việt, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới. Thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương không chỉ được đề cao ở trong nước, còn có tầm ảnh hưởng thế giới, đến nay thơ bà đã đã được dịch ra  nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp, Bungari, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Học giả người Mỹ Lady Borton trình bày tham luận tại hội thảo.

Đặc biệt, thơ nữ sĩ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh cho khát vọng sống của con người, đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng nam- nữ. Từ đó, có thể khẳng định những đóng góp của bà cho nền văn học Việt Nam nói chung cũng như sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Bà Lady Borton – học giả, nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, người nghiên cứu văn hóa Việt Nam hơn 40 năm qua, cho rằng, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường. Bà là một hiện tượng "độc nhất vô nhị", nhưng bà không đơn độc vì cuộc đời và sự nghiệp của bà đã neo vào dòng phả hệ những nữ thi sĩ Việt Nam như là một bậc thầy.

GS. Trần Đình Sử cho hay, thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng, nhiều loại. Thơ Hồ Xuân Hương trong “Lưu hương ký” rõ ràng là thơ trữ tình đặc sắc cả chữ Hán và chữ Nôm.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội thảo.

Theo dự đoán của học giả Hoàng Xuân Hãn, thơ tuyển bà làm lúc đã có tuổi, còn thơ truyền tụng có thể bà làm lúc còn trẻ, đùa vui hồn nhiên cùng bạn hữu, được truyền tụng và đây cũng là dòng thơ chính làm nên sức sống và tên tuổi vang dội của bà.

Việc tổ chức Văn Hóa, Khoa học và Giáo Dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua Nghị Quyết vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41, năm 2021 khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo cũng như tư tưởng về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ Việt Nam.

HỮU TRỌNG

Vĩnh Phúc có tân Chủ tịch Hội Nhà báo

Nguyễn Hoàng Lâm