/ Tin tức
/ Hội thảo khoa học Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn

Hội thảo khoa học Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn

14/07/2024 06:38 |

(LSVN) - Nhân dịp Kỷ niệm 770 năm, năm sinh Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (1254-2024) Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cùng Hội đồng dòng họ Hoàng - Huỳnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (1254-1338) làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp cũng như đánh giá vai trò đóng góp của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn với lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, từ đó nêu lên định hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, góp phần giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biển đảo đất nước trong tình hình mới.

Quang cảnh Hội thảo. 

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Kiền, Chủ tịch Hội đồng họ Hoàng - Huỳnh Việt Nam, đại diện của Bộ Tư lệnh Hải quân; ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Cùng về tham dự có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện dòng họ Hoàng - Huỳnh Thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đại diện lãnh đạo các huyện, thị, thành nơi có đền thờ, nhà thờ Hoàng Tá Thốn; đại diện dòng họ Hoàng - Huỳnh trong tỉnh Nghệ An. 

Viện Sử học và UBND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì cuộc Hội thảo.

Hoàng Tá Thốn, mỹ hiệu là Tô Đại Liêu, sinh năm 1254 tại làng Vạn Phần, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thuở nhỏ ông có sức khỏe hơn người, sớm được đi học. Nhưng ông thích võ nghệ cha mẹ cũng chiều lòng, nên Hoàng Tá Thốn nổi tiếng người giỏi võ nghệ, cao cường, đặc biệt có tài bơi lội.

Khi Đại Việt bị quân Nguyên - Mông xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình Hoàng Tá Thốn rời quê hương sung vào đội bộ binh. Sau một thời gian đó có trí thông minh, lắm cơ mưu với tài bơi lội nên được tiến cử lên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sung vào đội thủy binh thiện chiến của nhà Trần. Ở đây, ông được huấn luyện đầy đủ về kỹ chiến thuật trong đội thợ lặn, được giữ chức Nội thư gia giúp việc binh thư cho Trần Hưng Đạo. 

Ông có công rất lớn tổ chức mai phục, dụ quân giặc Nguyên - Mông rồi tấn công gây thiệt hại lớn, đánh đắm nhiều chiến thuyền quân địch. Đặc biệt, ông cùng chiến binh với chiến thuật lặn xuống sông đục chiến thuyền làm cho thủy quân Nguyên - Mông vô cùng khiếp sợ. Trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, ông góp công to lớn đánh thắng quân Nguyên - Mông, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi.

Với mưu trí, dũng cảm của “đặc công thủy binh”, Hoàng Tá Thốn có công lớn trong cuộc đại thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 3. Ông được vua ban tước Sát Hải Đại vương, tước Minh Tự. Sau đó, ông được triều đình nhà Trần bổ Đại tướng thống lĩnh các đạo thủy binh coi giữ 12 cửa biển. Ông tổ chức các đồn trại, thường xuyên tuần tra ven biển, đánh tan quân Chiêm Thành sang quấy rối, đánh chiếm Đại Việt, giữ yên vùng biển đảo, được nhân dân quý trọng. Kết thúc các cuộc kháng chiến ông được triều đình cho hưởng lộc hai miền Thuận, Quảng. 

Những năm cuối đời ông được triều đình triệu về kinh làm việc ở  gia thư. Một lần đi tuần thủ đường biển từ Bắc vào Nam qua 12 cửa biển, đến Cửa Trào, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa do tuổi già ông lâm bệnh mất ngày mùng 1, tháng Giêng năm 1338, hưởng thọ 85 tuổi. Thi hài được triều đình cho thuyền Rồng đưa  về chôn cất tại quê nhà làng Vạn Phần, nay là xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Triều đình cho lập đền thờ ông tại đây.

Ban tổ chức Hội thảo nhận được 29 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương, Hội đồng họ Hoàng - Huỳnh Việt Nam, các Ban Quản lý di tích, các Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn nghệ dân gian đã cho nhiều tư liệu, chứng cứ vô cùng quan trọng mà sử sách chưa ghi lại hết. Trong đó, tiêu biểu có nhiều tham luận tập trung vào công lao đóng góp cụ thể của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn của TS. Phan Đăng Thuận, Viện Sử học; thủy quân nhà Trần và Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn của TS. Đỗ Danh  Huấn, Viện Sử học; TS Nguyễn Quốc Sinh, Viện Sử học cho nhiều tư liệu quý giá sử sách chưa nêu về vai trò của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn với hàng tướng quân Nguyên bị Đại Việt bắt năm 1288. Nhất là vai trò của ông trong việc xử lý tướng giặc tàn ác Ô Mã Nhi, làm cho quân thù khiếp sợ sau này không dám xâm lược nước Đại Việt. 

Tham luận của TS. Phan Thị Anh, Sở VH&TT Nghệ An cho biết, ông là 01 trong 08 vị thần được thờ nhiều nhất ở tỉnh Nghệ An, kết quả thống kê chưa đầy trong tỉnh có 43 di tích thờ và phối thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, trong đó 23 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh. Tín ngưỡng thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn đặc biệt là hiện tượng nhiên thần hóa nhân thần. Ông là một vị nhân thần được nhân dân gắn cho những điều linh diệu. 

Tín ngưỡng Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn cùng với một hệ thống di tích thờ thần dày đặc trên các tỉnh, thành dọc ven biển nước ta. Các tỉnh có số lượng lớn đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn như tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh đều có trên 11 đền thờ.

Ông Hoàng Văn Toàn, hậu duệ thứ 24 của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn kiến nghị với Ban tổ chức Hội thảo có kiến nghị với cấp có thẩm quyền suy tôn cụ Hoàng Tá Thốn là một nhà yêu nước có công lao như các vị Yết Kiêu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám. Khuyến nghị các địa phương nơi cụ Hoàng Tá Thốn đặt chân đến nên dùng tên cụ đặt tên đường, trường học và các công trình văn hóa.

Ông Đào Tam Tỉnh - Đào Thu Vân - Bảo tàng tỉnh Nghệ An kiến nghị Hoàng Tá Thốn là vị Thần tổ họ Hoàng Việt Nam, phục hồi lại Lễ hội đền thờ Hoàng Tá Thốn, xây dựng một cụm di tích văn hóa tâm linh Hoàng Tá Thốn ở Nghệ An. 

Nhiều nhà khoa học cho rằng, Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn còn nhiều điều sử sách chưa ghi chép đầy đủ, bởi lúc đó triều đình muốn giữ an toàn cho con cháu và dòng họ của ông. Nay cần sưu tầm, đầu tư nghiên cứu về ông một con người có công to lớn đối với đất nước, chống giặc ngoại xâm, giữ yên biển đảo quê hương. 

Con cháu của chúng ta trải qua nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ học tập tinh thần của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn đánh tan quân thù giữ yên biển đảo, vùng đất vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, hơn lúc nào hết con cháu càng phát huy truyền thống để bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

HẢI HƯNG

Tổng kết 35 năm công tác biên soạn, phát hành, sử dụng Bản tin sinh hoạt chi bộ

Nguyễn Hoàng Lâm