/ Đời sống - Xã hội
/ Hội thảo khoa học 'Thánh sư Địa lý Tả Ao với quê hương Nghi Xuân'

Hội thảo khoa học 'Thánh sư Địa lý Tả Ao với quê hương Nghi Xuân'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng ngày 20/12, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Nghi Xuân phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong Thủy tổ chức Hội thảo khoa học “Thánh sư Địa lý Tả Ao với quê hương Nghi Xuân”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Về dự Hội thảo có ông Cấn Việt Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội. Ông Hoàng Thăng Long - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong Thủy. Các ông Nguyễn Hoàng Quân, Bùi Đình Ngọc - Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong Thủy. Tiến sĩ Bùi Hữu Dược nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo Chính phủ. Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Vĩ - Viện nghiên cứu Hán Nôm. Tiến sĩ Nguyễn An nhà nghiên cứu Hán Nôm. Ông Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA.

Về phía địa phương có ông Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Ông Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ông Hà Văn Hùng - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy và các lãnh đạo huyện Nghi Xuân.

Về dự còn có 220 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu địa lý, phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong cả nước. Hội thảo đã nhận được 30 bài tham luận đầy tâm huyết, có dẫn chứng và lý luận chặt chẽ về “Thánh sư Địa lý Tả Ao”. Theo Tiến sĩ lịch sử Đinh Công Vĩ: “Tả Ao” không hẳn tên thật của bậc Thánh Địa lý nước ta. Đó là tên làng quê nơi sinh ra bậc Thánh, tức là làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Tên của Thánh Địa lý Tả Ao trong sử sách cũng khó khẳng định: “Bách khoa toàn thư Việt Nam” ghi tên ông là Tả Ao, “ Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi: Tả Ao tên thật là Hoàng Chiêm, hoặc Hoàng Chỉ. Theo dân gian người cùng quê thường gọi ông là Vũ Đức Huyền. “Nam hải dị nhân” của Phan Kế Bính nêu: Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyền.

Ông Hoàng Thăng Long – Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong Thủy, giới thiệu tham luận về Phong Thủy đất Nghi Xuân địa linh nhân kiệt.

Ông Hoàng Thăng Long - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong Thủ nêu: dãy núi Trường Sơn coi như Đại cán Long bắt nguồn từ Thượng Lào chạy theo hướng Đông Nam về phía Việt Nam qua Vườn quốc gia Pù Mát, các huyện miền Tây Nghệ An như Thanh Chương, Nam Đàn rồi dọc xuống phía Tây Hà Tĩnh, chạy xuống phía Nam vào Quảng Bình. Vùng Nghi Xuân nằm bên trục chính của dãy Trường Sơn. Đất Nghi Xuân là đất địa linh nhân kiệt. Mảnh đất này luôn sản sinh ra những bậc hiền tài làm rạng rỡ cho quê hương và đất nước. Tiểu biểu Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Thánh sư Địa lý Tả Ao nổi tiếng đời Hậu Lê (1549-1556), Thiên đô Ngự sử Phạm Ngữ, Danh nho Thái phương Hoàng giáp Phan Chánh Nghị, Tể tướng Nguyễn Nghiệm, nhà thơ Nguyễn Hành, Tiến sĩ Toản Quận công Nguyễn Khản, Tổng đốc Thượng thư Ngụy Khắc Tuần, Học giả lỗi lạc Trần Trọng Kim, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long, nhà sử học Đào Văn Tấn.

Ông Đặng Duy Báu – nguyên Bí thư Tỉnh ủy trình bày tham luận.

Ông Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh một người con Nghi Xuân, sau khi nêu lên một số vị trí địa lý đắc địa trên đất Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh. Ông lý giải tại sao không nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê có liên quan đến phong thủy. Ông cho rằng cuộc Hội thảo rất bổ ích, khẳng định Tả Ao một nhân vật có thật, một con người không màng danh lợi cho cá nhân, mà nguyện đi giúp ích cho đời. Ông đề nghị các nhà khoa học cần đi sâu nghiên cứu một cách nghiêm túc về “Thánh Địa lý Tả Ao”.

Các vị khách về tham gia Hội thảo đều thống nhất gọi ông như truyền thuyết đã gọi “Thánh Địa lý Tả Ao”. Ông là thủy tổ khai môn, đệ nhất Địa lý Phong Thủy Việt Nam. Như người đời viết thơ ca ngợi:

Tả Ao phong thủy nhất trên đời
Họa phúc cầm cân định chẳng sai
Mắt Thánh trông xuyên ba thước đất
Tay Thần xoay chuyển bốn phương trời
Chân đi Long Hổ luồn qua gót
Miệng gọi trâu dê ứng trả lời
Ai muốn cầu sao cho được vậy
Mấy ai Địa lý được như ngài.

Kết luận Hội thảo nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Khôi nói: “Tả Ao là một nhà khoa học thực hành, chúng ta cần quan tâm sưu tầm, tiếp tục nghiên cứu, để xây dựng ngành khoa học Phong Thủy; có thể xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Tả Ao tại huyện Nghi Xuân". Ông cũng đề nghị Đền thờ “Thánh Địa lý Tả Ao" là một di tích lịch sử văn hóa.

Các đại biểu về dự Hội thảo chụp ảnh ghi nhận cuộc Hội thảo.

Trước khi dự Hội thảo, chiều ngày 19/12 các đại biểu dự Lễ dâng hương tại Đền thờ Thánh sư Địa lý Tả Ao, ở xã Xuân Giang.

HẢI HƯNG

/kim-oanh-group-chinh-thuc-nhan-ban-giao-dat-tren-thuc-dia-du-an-khu-dan-cu-hoa-lan.html