Sự kiện tập trung cập nhật các điểm mới trong Quy tắc Trọng tài SIAC 2025, đồng thời chia sẻ các chiến lược quản lý chi phí hiệu quả – vấn đề được đặc biệt quan tâm trong các tranh chấp xây dựng quốc tế trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư.

Hội thảo “Kỹ năng quản lý chi phí trong tranh chấp xây dựng tại SIAC”
Phát biểu khai mạc, Luật sư Lê Thế Hùng – Điều hành CNC Counsel – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động tiếp cận các quy định trọng tài quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp Việt xử lý tranh chấp minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn.
“Chúng tôi mong muốn phổ biến thông tin chính thống, và quan trọng hơn là tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận và xử lý tranh chấp một cách công bằng, hiệu quả như các doanh nghiệp quốc tế”, Luật sư Lê Thế Hùng nhấn mạnh.

Ông Lê Thế Hùng - Luật sư điều hành CNC Counsel.
Trong phần trình bày đầu tiên, bà Mah Sue Ann – Quản lý Cấp cao về Chiến lược và Phát triển pháp lý tại SIAC – giới thiệu các cập nhật nổi bật của Quy tắc SIAC 2025, bao gồm (i) Cơ chế quyết định sơ bộ, cho phép Hội đồng Trọng tài ra quyết định nhanh về các vấn đề pháp lý rõ ràng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể; (ii) Thủ tục rút gọn, áp dụng cho các tranh chấp có giá trị thấp hoặc khi các bên có thỏa thuận, nhằm đơn giản hóa quá trình giải quyết; (iii) Cơ chế khẩn cấp tạm thời (emergency interim relief), giúp cải tiến thủ tục để cho phép yêu cầu biện pháp khẩn cấp trước khi nộp Thông báo Trọng tài, tăng tính linh hoạt cho các bên; (iv) Cập nhật về thời hạn và quy trình tố tụng, giúp rút ngắn thời gian phản hồi và yêu cầu phán quyết cuối cùng được đưa ra trong thời hạn cụ thể, tăng tốc độ giải quyết tranh chấp.

Đại diện SIAC phát biểu tại Hội thảo — Bà Mah Sue Ann.
Bà Mah nhấn mạnh rằng các cải tiến này phản ánh nỗ lực của SIAC trong việc nâng cao hiệu quả tố tụng, tăng cường tính linh hoạt và minh bạch, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Tiếp nối chương trình, Luật sư Lê Thế Hùng chia sẻ 05 chiến lược tối ưu hóa chi phí trong trọng tài SIAC, bao gồm lựa chọn thủ tục phù hợp, chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, sử dụng chuyên gia đúng cách, quản lý tài liệu hiệu quả và thỏa thuận chi phí minh bạch ngay từ đầu. Ông lưu ý rằng dù đây là những chiến lược dễ hiểu, nhưng không dễ thực hiện nếu doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm hoặc không có luật sư đồng hành am hiểu quy trình tại SIAC.

Ở phần tiếp theo của Hội thảo, Ông Kelvin Aw – Luật sư thành viên tại CMS Singapore đã mang đến một góc nhìn hệ thống về quản lý chi phí trọng tài từ kinh nghiệm hành nghề nhiều năm: (i) Chi phí trọng tài không chỉ là con số “hậu kiểm”, mà cần lập kế hoạch ngay từ giai đoạn dự án; (ii) Dự toán ngân sách hợp lý, quản lý tốt tiến độ và chứng cứ là yếu tố then chốt giúp tối ưu tài chính tranh tụng; (iii) Đặc biệt, với các doanh nghiệp Việt, ông lưu ý nguy cơ “xử lý khi đã muộn”, dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Ông Kelvin Aw – Luật sư thành viên tại CMS Singapore.
Khép lại Hội thảo, ông Maximilian D. Benz – Chuyên gia khối lượng tại SJA (Singapore) phân tích vai trò và các yếu tố cần xem xét khi sử dụng chuyên gia kỹ thuật trong các tranh chấp xây dựng phức tạp. Ông khuyến nghị doanh nghiệp cần lựa chọn chuyên gia có chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm tranh tụng quốc tế và khả năng trình bày rõ ràng bằng tiếng Anh để bảo vệ lập luận hiệu quả trước Hội đồng Trọng tài.

Ông Maximilian D. Benz – Chuyên gia khối lượng tại SJA (Singapore).
CNC – Từng bước khẳng định vị thế bằng năng lực giải quyết tranh chấp
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xử lý tranh chấp tại các tổ chức trọng tài quốc tế, trong đó có SIAC, CNC Counsel không chỉ nắm rõ quy trình, thủ tục của các tổ chức mà còn có khả năng tối ưu chiến lược và chi phí cho từng khách hàng. Thành quả ngày hôm nay là kết quả của hành trình kiên trì đồng hành cùng doanh nghiệp.
Hội thảo vừa qua không chỉ là dịp để CNC chia sẻ về sự cập nhật trong hệ thống quy tắc SIAC, mà còn là minh chứng cho năng lực chuyên môn của đội ngũ luật sư CNC trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp quốc tế.
Việc phổ biến thông tin về Quy tắc SIAC 2025 là bước đi cần thiết trong việc chuẩn bị hành trang pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ luật sư, giảng viên và sinh viên ngành luật tiếp cận những chuẩn mực mới của trọng tài thương mại quốc tế, góp phần phát triển nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao tại Việt Nam.