(LSO) - Sáng ngày 28/8/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chương trình Hội thảo trực tuyến “Góp ý kiến hoàn thiện Đề cương sách giải thích, hướng dẫn thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có Luật sư Edagawa Mitsushi, chuyên gia Dự án JICA tại Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; cùng đại diện Ủy ban Hợp tác quốc tế thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các khách mời là Luật sư thuộc một số Đoàn Luật sư trong cả nước.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại hai điểm cầu tại Hà Nội (văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và tại TP. HCM (cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP. HCM).
Mở đầu Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, việc xây dựng Đề cương sách giải thích, hướng dẫn thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam tất cả phải cùng cố gắng, mời những người có nhiều kinh nghiệm để trong năm nay có thể hoàn thành.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Luật sư Edagawa Mitsushi – Đại diện Dự án JICA tại Việt Nam đã đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian qua.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại diện Dự án JICA tại Việt Nam – Luật sư Edagawa Mitsushi đánh giá cao sự phát triển của tổ chức Luật sư Việt Nam.
Luật sư Edagawa Mitsushi cũng tham gia ý kiến đóng góp, trong đó phải nêu bật được nội dung của từng chương, giải thích rõ lý do tại sao phải có quy tắc, bổ sung nhiều ví dụ cụ thể mang tính điển hình để giúp người đọc dễ hình dung…
Đại diện Dự án JICA đề xuất, sau khi hoàn thiện dự thảo xin phép dịch sang tiếng Nhật để các Luật sư Nhật Bản đọc và có thể tổ chức các cuộc thảo luận online để tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Luật sư Nhật Bản nếu thời gian cho phép.
Cũng tại buổi Hội thảo, các Luật sư đã tham gia các ý kiến đóng góp mang tính thiết thực.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho biết, ý tưởng về công trình này được bắt nguồn từ chuyến đi công tác tại Nhật Bản, khi đề xuất đã nhận được sự nhất trí cao của Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đề xuất thành lập tổ soạn thảo để phân công cụ thể công việc. Về nhân sự, Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng nên lựa chọn các Luật sư có nhiều kinh nghiệm tham gia viết, các quy tắc khó hiểu cần có bình luận, ví dụ minh họa để làm rõ.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trước hết cần phải xác định các phương pháp tiếp cận, cách thức tổ chức khi triển khai.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến nhất trí việc thành lập tổ soạn thảo để phân công theo dõi, xác định hướng khai thác. Đối với từng lĩnh vực cụ thể hay hành vi vi phạm cụ thể, cần phải rõ ràng và có ví dụ minh họa để các Luật sư dễ hình dung hơn về các quy tắc.
Phát biểu từ điểm cầu TP. HCM, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, việc thành lập ban soạn thảo và thành lập tổ thư ký để phân công theo dõi và xác định hướng khai thác nhằm hoàn thiện nội dung một cách tối ưu và tốt nhất. Cùng với đó, việc lựa chọn nhà xuất bản cũng cần được chú ý để nâng cao uy tín và quảng bá cuốn sách hiệu quả. Đồng thời, nên tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản để nâng cao chất lượng của công trình.
Ý kiến phát biểu của các Luật sư tại buổi Hội thảo đều tập trung vào việc đi sâu làm rõ từng vấn đề cụ thể của mỗi quy tắc, có ví dụ minh họa sinh động, dễ hiểu. Trong đó, Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, ngoài việc quy định về đạo đức đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư, cuốn sách nên có nội dung quy định về đạo đức lối sống của Luật sư trong đời sống để mang tính bao quát, tổng thể.
Kết thúc Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cảm ơn sự đóng góp nhiệt tình, chân thành của các Luật sư và sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp sau đó tổng hợp trình Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét quyết định.
LÂM HOÀNG