/ Hoạt động Luật sư
/ Định hướng xây dựng và phát triển LĐLSVN và nghề Luật sư góp phần thúc đẩy cải cách pháp luật, cải cách tư pháp

Định hướng xây dựng và phát triển LĐLSVN và nghề Luật sư góp phần thúc đẩy cải cách pháp luật, cải cách tư pháp

30/10/2021 09:50 |

(LSVN) – Chiều ngày 30/10/2021 tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Dự án JICA, Nhật Bản tổ chức Hội thảo xác định định hướng xây dựng và phát triển Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư góp phần thúc đẩy cải cách pháp luật, cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có ông Edagawa Mitsushi, chuyên gia Dự án JICA, Nhật Bản; Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gồm: Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Luật sư Phan Trung Hoài; cùng các Luật sư thành viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, sau hơn 02 nhiệm kỳ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã từng bước được củng cố, hoàn thiện về tổ chức hoạt động, từ đó đã góp phần quan trọng trong xây dựng đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư ở nước ta.

Nếu tính thời điểm Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập vào ngày 12/5/2009, số lượng Luật sư Việt Nam là 5300 Luật sư, cho đến nay số lượng Luật sư là trên 16000 Luật sư. Song hành cùng sự phát triển về số lượng thì chất lượng Luật sư từng bước được nâng lên và khẳng định, từ đó đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của khách hàng và cộng đồng xã hội. Trong tiến trình đó, Luật sư và nghề Luật sư đã đóng góp tích cực vào cải cách pháp luật và cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Cùng với những thành tựu và những kết quả đạt được trong xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phát triển đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư ở nước ta, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam cũng đồng thời nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng 2045.

Chính vì vậy, Hội thảo xác định định hướng xây dựng và phát triển Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư góp phần thúc đẩy cải cách pháp luật, cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được tổ chức nhằm hỗ trợ Liên đoàn tổng kết, đánh giá được các kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ II, qua đó đưa ra được những định hướng xây dựng và phát triển Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư trong nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ đó tiếp tục góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Tiếp tục chương trình Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trình bày báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng 2045.

Theo đó, phương hướng phát triển cho nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được tập trung vào một số nội dung như:

(i) Xây dựng được một bộ máy hoạt động chuyên môn hóa và chuyên nghiệp, trong đó chú ý tới vị trí các chức danh được bầu trong các cơ quan Liên đoàn Luật sư Việt Nam như Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn, Chủ nhiệm một số ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn;

(ii) Xây dựng cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan đơn vị trực thuộc Liên đoàn với Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật của các Đoàn Luật sư để xử lý hiệu quả các công việc đặt ra. Trong đó chú ý tới công tác đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Luật sư, bồi dưỡng Luật sư, động viên khuyến khích Luật sư tham gia đóng góp vào những hoạt động chung của Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

(iii) Tiếp tục củng cố niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương về đội ngũ Luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức liêm chính, trong sáng, có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và cộng đồng xã hội;

(iv) Quan tâm phát triển đội ngũ Luật sư về số lượng nhưng chú trọng đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…

Toàn cảnh Hội thảo.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng 2045 cần tập trung vào một số nội dung như:

(i) Củng cố và hoàn thiện bộ máy nhân sự làm việc chuyên trách và bán chuyển trách của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư và hỗ trợ cho các Luật sư hành nghề. Nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư phải bắt đầu từ việc lựa chọn, giới thiệu được các Luật sư làm việc chuyển trách trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư;

(ii) Nâng cao chất lượng đồng đều cho đội ngũ Luật sư cần phải xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Muốn vậy, cần chú trọng quan tâm bồi dưỡng đối với các Luật sư mới vào nghề, chú ý uốn nắn, giáo dục các Luật sư có những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho Luật sư là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư, xây dựng uy tín và nâng cao vị thế của nghề Luật sư trong việc phục vụ cộng đồng, phụng sự công lý;

Các đại biểu tham gia cuộc Hội thảo.

(iii) Triển khai đồng bộ công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư, trong đó có sự phối hợp giữa Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác;

(iv) Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan đến Luật sư là một trong những công việc khó khăn và nhiều phức tạp của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, chính xác theo đúng quy định;

(v) Công tác hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III cần được kế thừa những mặt tích cực, ưu việt trong nhiệm kỳ II…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Edagawa Mitsushi, chuyên gia Dự án JICA, Nhật Bản bày tỏ vui mừng khi Dự án JICA tiếp tục đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo này. Đồng thời, báo cáo về Dự án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Ông Edagawa Mitsushi, chuyên gia Dự án JICA, Nhật Bản phát biểu tại buổi Hội thảo.

Cụ thể, về kết cấu dự án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, ông Edagawa Mitsushi cho biết, thời gian hợp tác từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2025. Cơ quan hợp tác gồm: Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Mục tiêu của dự án là nâng cao chất lượng và hiệu quả thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó góp phần thúc đẩy cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của quốc gia.

Ngoài ra, ông Edagawa Mitsushi trình bày thêm về phương hướng mới về cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam từ năm 2021; Các quy định và hướng dẫn hoạt động dự án và Đặc trưng trong hoạt động của dự án mới.

Trước những đóng góp của Dự án JICA, thay mặt Liên đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn đã gửi cảm ơn sâu sắc đến cá nhân ông Edagawa Mitsushi cũng như Dự án JICA. Phó Chủ tịch Liên đoàn hy vọng trong thời gian tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Dự án JICA sẽ có thêm nhiều sự hợp tác, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

MỸ LINH – HOÀNG LÂM

Hội đồng Luật sư toàn quốc họp phiên thứ XIII: Bước chuẩn bị toàn diện cho Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III

Lê Minh Hoàng