Ảnh minh họa.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Trong báo cáo mới đây, Chính phủ cho hay, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã có đủ căn cứ chính trị theo Nghị quyết 31 ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, tại Nghị quyết 76 ngày 15/11/2022, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.
Về mục tiêu, Chính phủ cho biết, Nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội nêu trên.
Cũng theo Chính phủ, dự thảo Nghị quyết có 44 chính sách đặc thù. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 04 nhóm cơ chế, chính sách.
Nhóm 1 có 07 cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54. Trong đó có cơ chế, thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
HĐND thành phố quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo quy định Nghị quyết số 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương.
Nhóm 2 có 04 cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của những địa phương khác.
Trong đó, quy định thành phố chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Nhóm 3 có 06 cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến.
Trong đó, dự thảo nghị quyết đưa ra nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai. Chẳng hạn như thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Nhóm 4 có 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa. Trong đó có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến tổ chức, bộ máy.
Dự thảo Nghị quyết này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 30/5, thảo luận tại hội trường vào sáng 08/6 và dự kiến biểu quyết thông qua vào sáng 24/6.
Cũng trong sáng cùng ngày (26/5), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đến chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
NGUYÊN VŨ