Ảnh minh họa.
Tiếp tục phiên họp thứ 4, ngày 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý).
Trong phiên thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân
Năm 2022, có 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội ước tính đạt và vượt. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.
Trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu, điện, xăng, dầu; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Về nhận định tình hình năm 2023, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 05% - 06%... Các giải pháp tập trung gồm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2023 vẫn là thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khủng hoảng năng lượng diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
TRẦN VŨ
Hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với cả người đã ly hôn, chung sống như vợ chồng