/ Tin tức
/ Hôm nay Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Hôm nay Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

10/11/2023 06:28 |

(LSVN) – Thứ Sáu, ngày 10/11/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 15 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ảnh minh họa.

Theo dự kiến chương trình, sáng nay Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Sau đó, Quốc hội sẽ nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung trên.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Bên cạnh đó, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 09/11/2023, ngày làm việc thứ 14 của Kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung sau:

Thứ nhất, về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tại phiên thảo luận đã có 07 đại biểu phát biểu, 03 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung: sự cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14; thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và đề nghị đánh giá kỹ tính khả thi khi chỉ cho phép kéo dài việc thực hiện đến hết năm 2024; nguyên nhân của việc chậm tiến độ và yêu cầu có giải pháp quyết liệt, không để xảy ra tình trạng tiếp tục trình Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn tiếp theo; ảnh hưởng của việc điều chỉnh đến mục tiêu giai đoạn 1 đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác năm 2025; nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm trong việc kéo dài thời gian thực hiện dự án; việc Quốc hội ban hành nghị quyết chung hay cần có nghị quyết riêng về vấn đề này; việc bố trí vốn cho dự án và triển khai hiệu quả đề án giải quyết việc làm, tổ chức lại đời sống cho người dân vùng ảnh hưởng của dự án; việc thực hiện đền bù, hỗ trợ tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các vướng mắc đối với dự án trọng điểm.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ hai, về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, 09 đại biểu tranh luận, trong đó, các ý kiến đại biểu thống nhất với thẩm quyền và sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Nhiều đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, thí điểm để thực sự lựa chọn được các dự án cấp bách, cần thiết, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả; hoàn thiện bổ sung nguyên tắc tiêu chí liên quan đến năng lực quản lý của địa phương để lựa chọn thí điểm, nguồn vốn thực hiện dự án, cơ quan đề xuất dự án thí điểm, trách nhiệm triển khai chính sách thí điểm; rà soát, đánh giá danh mục các dự án cần thực hiện cơ chế thí điểm; về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP; đánh giá tình hình thực hiện các dự án PPP thời gian qua; việc bảo đảm nguồn vốn, cơ chế phân cấp ủy quyền để thực hiện các dự án thí điểm; chế tài đảm bảo trách nhiệm thực hiện dự án, thực hiện các cam kết bố trí vốn, việc quản lý khai thác, vận hành các dự án thí điểm.

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện cơ chế đặc thù thí điểm cho các dự án; đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hiện thí điểm các chính sách này ở một số dự án thời gian vừa qua để có thêm giải pháp đồng bộ, phát huy tác dụng của các chính sách thí điểm.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.09% tổng số ĐBQH), trong đó có 447 đại biểu tán thành (bằng 90.49% tổng số ĐBQH); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0.20% tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.40% tổng số ĐBQH).

Bên cạnh đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe: Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

PV

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Bùi Thị Thanh Loan