Ảnh minh họa.
Sáng 24/10, Quốc hội sẽ thảo luận hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, UBTV Quốc hội cho biết, nhiều nội dung của dự thảo Luật vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Về xã hội hóa trong hoạt động y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 hồi tháng 6, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo 02 phương án và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Quá trình lấy ý kiến, đa số lựa chọn Phương án 2 là quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết.
UBTV Quốc hội đã tiếp thu theo Phương án 2 và chỉnh lý tại các khoản cụ thể về nội dung xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, Điều 107, dự thảo Luật đề xuất hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế.
Ngoài ra, các hình thức thu hút nguồn lực còn có thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng; dịch vụ phi y tế; dịch vụ nhà thuốc; quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế; tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước...
Về giá khám bệnh, chữa bệnh, UBTV Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại Luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện. Do đó, Điều 108 của dự thảo Luật chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh, việc quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh và các yếu tố căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...
Cụ thể, giá khám chữa bệnh, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước và cơ sở thành lập theo phương thức đối tác công tư được định giá theo quy định của pháp luật về giá.
Cơ sở tư nhân quyết định giá khám chữa bệnh và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: chi phí sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; chi phí sử dụng hàng hóa phục vụ cho việc khám chữa bệnh; và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động này.
Cũng theo UBTV Quốc hội, đang có 02 luồng ý kiến về giá dịch vụ khám chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp.
Bên cạnh nhóm đồng tình với quy định trong dự thảo Luật, nhóm ý kiến thứ hai là đề nghị Nhà nước cần quy định khung giá dịch vụ như đang thực hiện ở một số nước.
Với các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, lợi dụng uy tín của cá nhân, đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Về kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện.
Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, UBTV Quốc hội nêu 09 nhóm nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận. Đó là chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, các chính sách mới được bổ sung, Hội đồng Y khoa quốc gia, dinh dưỡng trong khám chữa bệnh, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh...
Sau khi thảo luận hội trường, UBTV Quốc hội sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 14/11.
TRẦN NGUYÊN
Bộ Công thương lý giải việc không thiếu nguồn cung xăng dầu nhưng khó bán ra thị trường