Ảnh minh họa.
Thực hiện quyền kiến nghị luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; căn cứ Hiến pháp năm 2013, Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, trên cơ sở tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chuyển đổi giới tính, ĐBQH Nguyễn Anh Trí lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí Xuất phát từ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong thực tế đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, cụ thể hóa quyền của công dân về thay đổi hộ tịch, thay đổi các giấy tờ nhân thân sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, pháp điển hóa các quy định liên quan đến quyền này nhằm: khẳng định, tôn trọng và bảo đảm quyền công dân khi chuyển đổi giới tính; Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới, phù hợp các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống…; phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù về nhân quyền trong xã hội văn minh; khuyến khích người chuyển giới có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội....
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất 04 nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm:
- Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính;
- Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân;
- Xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực;
- Thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.
Theo đó, tính đến tháng 9/2015, phần lớn quốc gia châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á đã thừa nhận quyền thay đổi tên và giới tính sau khi phẫu thuật chuyển giới với những điều kiện khác nhau như: yêu cầu về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, triệt sản, phẫu thuật một phần.
Theo thống kê của trang Equaldex, tháng 01/2023, hiện nay trên thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp thông qua các quy định pháp luật, cụ thể là: Tại Châu Âu có 39/50 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Á có 24/50; châu Mỹ và Mỹ Latinh có 21/35; châu Phi có 10/54; châu Đại dương và Nam cực có 10/14.
Trong đó, có 04 quốc gia có Luật Bản dạng giới; 07 quốc gia có Luật Công nhận giới; 03 quốc gia có Luật Tự xác định giới; 02 quốc gia có Luật Chuyển đổi giới tính; 02 quốc gia có Luật Thay đổi giới tính pháp lý; 86 quốc gia có các quy định pháp luật liên quan tới bản dạng giới, chuyển đổi giới tính.
Về quy định can thiệp y học: 72 quốc gia và vùng lãnh thổ không yêu cầu phải can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; 32 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu phải can thiệp y học. Các quốc gia chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí can thiệp y tế: Phần Lan, Ý, Đức, Cuba, Pháp, một số vùng tự trị của Tây Ban Nha, Israel, Luxembourg, Bỉ, Iran.
Tại Việt Nam, người chuyển giới chưa được đề cập trong các quy định của văn bản pháp luật, nhưng trong một số luật cụ thể đã không có sự phân biệt giữa nam, nữ và người chuyển đổi giới tính. Cụ thể là: Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và được sửa đổi năm 2014; Luật Quốc tịch Việt Nam vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Cư trú; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được sửa đổi năm 2020; Luật Thể dục, thể thao và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao…
Vấn đề chuyển đổi giới tính được đề cập tập trung trong Bộ luật Dân sự và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Trước đây, Điều 36 Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định cho phép cá nhân có quyền được xác định lại giới tính song chỉ trong trường hợp giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác. Điều 27 Bộ Luật dân sự năm 2005 chỉ cho phép những người “được xác định lại giới tính” thay đổi họ, tên (điểm e).
Tiếp đó, ngày 24/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó bao gồm quy định về chuyển đổi giới tính. Cụ thể, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Với quy định này, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 11 tại châu Á, hợp pháp hoá việc chuyển đổi giới tính.
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch thì việc “Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự”.
Mặc dù không quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính, song nội dung Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã gián tiếp thừa nhận quyền này. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể giải quyết những vấn đề cụ thể như: Đối tượng nào được thay đổi giới tính trên giấy tờ; ai có đủ điều kiện để được thực hiện các can thiệp y học; các quan hệ pháp lý của người được công nhận đã thực hiện chuyển đổi giới tính thành công,...
PV
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)