Thông tin về số liệu người cao tuổi hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% tổng số người cao tuổi), 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%). Tuổi thọ bình quân chung là 73,6 tuổi (nam 71 tuổi, nữ 76,4 tuổi).
Hiện cả nước mới có khoảng 5,4 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách xã hội, bao gồm 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; hơn 1,2 triệu người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (phần lớn là người cao tuổi); hơn 1,5 triệu người hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.
Như vậy, vẫn còn hàng chục triệu người cao tuổi nằm ngoài lưới an sinh và chưa được hưởng chính sách trợ cấp nào.
Để tăng cường bảo đảm an sinh xã hội đối với người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi, trong thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định quy định các vấn đề liên quan đến người cao tuổi; trong đó, phải kể đến các Luật có liên quan đến người cao tuổi như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Khám chữa bệnh... và đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó quy định người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.