(LSO) - Mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm và tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông.
Theo đó, những lỗi được áp dụng cụ thể với cả ô tô và xe máy về các hành vi sau sẽ bị trừ điểm trong đề xuất trừ điểm bằng lái bao gồm:
Không giữ nguyên hiện trường tai nạn, không cấp cứu
Không có biển số, đăng ký xe
Kéo theo xe đẩy hoặc đẩy xe khác
Sử dụng điện thoại di động
Đi vào đường cấm
Đi ngược chiều
Chạy quá tốc độ
Sử dụng xe cải tạo trong tham gia giao thông
Đối với xe máy, những hành vi bị trừ điểm bao gồm:
Chở hai người nằm trên yên xe và thả hai tay
Còn đối với ô tô, những hành vi bị trừ điểm sẽ là:
Lắp còi, đèn sai quy định
Chở quá tải số người được quy định
Xe quá niên đã hết hạn sử dụng
Và dừng đỗ xe trái quy định
Trước đó, đại diện Bộ Công an cho hay nội dung trên được đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, đang trình Chính phủ cho ý kiến.
Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó CSGT (Bộ Công an) 12 điểm của mỗi bằng lái tương ứng với 12 tháng, là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng cách làm này.
“Điểm không thể hiện trên giấy phép lái xe mà lưu trong hệ thống dữ liệu bằng lái, điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật ngay sau khi xử phạt. CSGT khi xử lý chỉ cần tra trên máy có thể biết tài xế còn bao nhiêu điểm”, đại tá Bình nói.
Trong trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực.
Bộ Công an dự kiến quy định các nhóm hành vi tương ứng với số điểm bị trừ, ví dụ vượt đèn đỏ sẽ bị trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm… “Quy đinh này giúp các tài xế có ý thức chấp hành luật giao thông tốt hơn để duy trì điểm số bằng lái, tránh mất quyền lái xe”, đại diện Cục CSGT nói.
Trường hợp cảnh sát lập biên bản xử phạt hành chính, người vi phạm bị phạt tiền và bị trừ điểm tương ứng với lỗi ghi trên biên bản, số điểm bị trừ sẽ được cập nhập lên hệ thống dữ liệu bằng lái.
“Biên bản chỉ ghi phạt tiền mà không ghi số điểm bị trừ sẽ không hợp lệ, qua đó để tránh tiêu cực với trường hợp tài xế đưa tiền để không bị trừ điểm”, đại tá Bình nói thêm.
Từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng “bấm lỗ”. Theo đó, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần, giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới. Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách “chạy” bằng lái mới. |
LÂM HOÀNG(t/h)