/ Hoạt động Luật sư
/ Họp Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam phiên thứ 36

Họp Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam phiên thứ 36

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Sáng ngày 03/10, tại phiên họp thứ 36,Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc lấy ý kiến thông qua dự thảo về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư khi bị xâm hại trong quá trình hành nghề Luật sư.

Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại phiên họp.

Phiên họp diễn ra dưới sự điều hành của Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gồm: Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; cùng sự tham gia của các Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Căn cứ Chương trình, kế hoạch làm việc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc tổ chức xây dựng Dự thảo Quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư khi bị xâm hại trong quá trình hành nghề Luật sư, qua thời gian nghiên cứu, làm việc, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Luật sư trong Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư, Ủy ban đã thực hiện tiếp thu, xây dựng thành Dự thảo và trình Thường trực Liên đoàn, Ban Thường vụ đóng góp ý kiến.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Theo đó, dự thảo gồm 3 phần, nổi bật là sự cần thiết phải ban hành quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm hại.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 13/5/2009 đến 30/6/2020, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi của Luật sư (BVQLLS) đã nhận được 393 đơn thư của Luật sư và công văn của Đoàn Luật sư yêu cầu bảo vệ quyền lợi của Luật sư. Ủy ban đã tham mưu và chuẩn bị văn bản để Thường trực Liên đoàn xem xét, gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc có văn bản trả lời Luật sư hoặc trao đổi trực tiếp qua điện thoại đối với Cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết yêu cầu của Luật sư đối với tất cả các trường hợp nói trên.

Về cơ bản hoạt động của Ủy ban đã đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hoạt động hành nghề, nhưng do chưa có quy định về trình tự, thủ tục xử lý yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư và do nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban BVQLLS với một số Ủy ban khác còn chưa thống nhất nên còn xảy ra tình trạng điều phối công việc giữa các Ủy ban chưa đúng chức năng, nhiệm vụ.

Một số trường hợp đơn và yêu cầu của các Luật sư và các Đoàn Luật sư giải quyết chưa được kịp thời do các thành viên trong Ủy ban BVQLLS còn bận hành nghề, chưa thu xếp được thời gian nghiên cứu và cho ý kiến trao đổi, giải quyết đơn, yêu cầu, công tác phối hợp giải quyết đơn, yêu cầu của Luật sư và các Đoàn Luật sư giữa Ủy ban BVQLLS và các Đoàn Luật sư có lúc, có nơi chưa được hài hòa, nhịp nhàng.

Trước thực tế đó, việc xây dựng Quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm khi hành nghề là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết.

Theo đó, Quy định được xây dựng trên cơ sở của Luật Luật sư Việt Nam và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban BVQLLS.

Căn cứ vào Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ thông qua và ban hành quy định.

Toàn cảnh phiên họp.

Về cơ cấu, nội dung chính của dự thảo Quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bao gồm 12 Điều, cấu trúc theo trình tự cụ thể:

Điều 1: Đối tượng điều chỉnh.

Điều 2: Phạm vi quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư được bảo vệ.

Điều 3: Nguyên tắc giải quyêt yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm hại trong quá trình hành nghề.

Điều 4: Trình tự Luật sư gửi yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại trong quá trình hành nghề.

Điều 5: Thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm hại trong quá trình hành nghề.

Điều 6: Trình tự tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong quá trình hành nghề tại Đoàn Luật sư.

Điều 7: Trình tự tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm hại trong hành nghề tại Uỷ ban BVQLLS.

Điều 8: Hoạt động phối hợp giữa Ủy ban bảo vệ với các Đoàn Luật sư các Ủy ban, đơn vị của Liên đoàn trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề

Điều 9: Thời gian giải uyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề.

Điều 10: Một số biện pháp hỗ trợ trong hoạt động giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề.

Điều 11: Các hoạt động hỗ trợ công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề Luật sư.

Điều 12: Hiệu lực thi hành cơ chế sửa đổi, bổ sung.   

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Theo đó, phần những quy định chung quy định về đối tượng điều chỉnh, định nghĩa từ ngữ, nguyên tắc, phạm vi quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại trong quá trình hành nghề, thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Luật sư khi bị xâm hại trong quá trình làm nghề.

Còn phần riêng thì quy định về trình tự tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong quá trình hành nghề tại Đoàn Luật sư, tại Ủy ban BVQLLS, hoạt động phối hợp giữa Ủy ban BVQLLS với các Đoàn Luật sư, các Ủy ban, đơn vị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề, thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề, một sô biện pháp hỗ trợ trong hoạt động giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề, các hoạt động hỗ trợ công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề Luật sư.

Ngoài ra, phiên họp thứ 36 Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã tiến hành thảo luận một số vấn đề về công tác chuẩn bị cho Đại hội sắp tới.

LSO

/lien-doan-luat-su-viet-nam-to-chuc-hoi-thao-pho-bien-trien-khai-thi-hanh-bo-quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-viet-nam.html