Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 08/2022. Ảnh: VGP.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo đó, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận về 04 dự án luật quan trọng trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ TN&MT chuẩn bị; Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ KH&ĐT chuẩn bị; Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xác định rất rõ tại các Đại hội Đảng toàn quốc gần đây.
Chính phủ tiếp tục khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên, xác định đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, yêu cầu bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.
Thời gian qua, các thành viên Chính phủ đã bám sát chương trình làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chủ động, tích cực xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền, tạo những chuyển biến, kết quả tích cực trong công tác này.
Thủ tướng nêu rõ, 04 dự án luật được thảo luận tại phiên họp đều hết sức quan trọng, có phạm vi, đối tượng rộng, nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định. Đây là những dự án luật rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội sau đại dịch và trước những cú sốc từ bên ngoài do những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trên thế giới.
Các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình các dự án luật một cách khẩn trương, nghiêm túc.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào các dự án luật này trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các vướng mắc trong thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện các dự án luật bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
QUÝ NGUYỄN
Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030