Khởi tố vụ án điều tra “hotgirl Bắc Giang” Tina Duong
Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, đã khởi tố vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" liên quan Ninh Thị Vân Anh tức ‘hotgirl Bắc Giang”; Tina Duong (27 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Giang).
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết, việc khởi tố được đưa ra sau khi cơ quan này đã có kết quả định giá ôtô biển số 51H-24274 có giá trị trên 500 triệu đồng nên thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận.
Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết đang hoàn tất hồ sơ bàn giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận thụ lý.
Trước đó, ngày 12/7, Công an TP. Phan Thiết nhận văn bản của Công an TP. Ninh Bình về việc chuyển đơn tố giác của ông L.K.D. (ở Đồng Tháp) tố cáo Vân Anh có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chiếc ôtô biển số 51H-242.74. Căn cứ kết quả điều tra, xác định tháng 12/2021, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và du lịch Gia Đình Việt (có địa chỉ ở TP.HCM) có hợp đồng cho thuê xe tự lái với Ninh Thị Vân Anh, thời hạn cho thuê xe ba tháng từ 24/01 đến 24/4/2022 với giá 45 triệu đồng.. Sau khi hết hạn thuê xe, các nhân viên công ty liên lạc nhiều lần nhưng Ninh Thị Vân Anh không trả. Đến tháng 6, Ninh Thị Vân Anh điều khiển xe ra TP. Ninh Bình và bán xe này cho anh H. với giá 450 triệu đồng. Anh H. đã chuyển cho Vân Anh 390 triệu đồng. Sau đó Vân Anh về TP.HCM lên mạng đặt làm giả một giấy đăng ký ô tô biển số 51H-242.74 với giá 5 triệu đồng ra giao cho anh H., hẹn 30/6 sẽ làm thủ tục sang tên. Đến hẹn, anh H. liên lạc thì Vân Anh tìm nhiều lý do né tránh. Do thiếu nợ nhiều người, Vân Anh bỏ trốn vào TP.HCM và sau đó ra Bình Thuận. Khi trở về TP. Phan Thiết, cô được công an mời lên làm việc và đã thừa nhận hành vi. Giá trị ô tô nói trên được Hội đồng định giá kết luận hơn 774 triệu đồng. Từ những căn cứ trên, sau khi xác định có hành vi tội phạm, Công an TP. Phan Thiết đã khởi tố vụ án để điều tra. |
Phạm tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' hay 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là các tội danh xâm phạm quyền sở hữu tài sản, tuy nhiên phụ thuộc vào hành vi khác nhau, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản khác nhau, đối tượng người bị hại khác nhau mà việc xác định tội danh khác nhau.
Luật sư Cường phân tích, hiện nay, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, còn tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự. Điều luật mô tả hành vi phạm tội khác nhau trong đó, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì hành vi, thủ đoạn gian dối có trước, việc nhận tài sản xảy ra sau và mục đích chiếm đoạt tài sản có ngay từ đầu. Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì giao dịch xảy ra là vô hiệu do bị lừa dối và bị chiếm đoạt tài sản.
Còn với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì quan hệ dân sự ban đầu là hợp pháp, sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi thì đối tượng đã gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản, có tài sản nhưng cố tình không trả thì có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì đều có thể có yếu tố "gian dối" và gian dối chính là căn cứ để xác định hành vi phạm tội. Nhưng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì hành vi gian dối có trước khi nhận được tài sản, vì gian dối nên nạn nhân mới hiểu lầm rồi trao tài sản, còn đối với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì hành vi gian dối diễn ra sau khi đã nhận được tài sản nhằm mục đích không trả lại tài sản cho nạn nhân.
Hành vi làm giả giấy tờ xe để bán có thể bị xử lý về tội gì?
Theo Luật sư, trong vụ việc này, tình tiết đáng chú ý là đối tượng đã làm giả đăng ký xe để bán cho người khác nhằm chiếm đoạt số tiền bán xe tài sản. Trong giao dịch này thì yếu tố gian dối để chiếm đoạt tài sản là rất rõ ràng, chiếc xe không phải là tài sản của đối tượng này nhưng đối tượng đã gian dối bằng cách làm giả giấy tờ xe, hành vi này thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Do giấy tờ giả nên người mua xe tưởng rằng chiếc xe này là của đối tượng này nên đã trả tiền và nhận xe, kết quả điều tra cho thấy chiếc xe không phải là của đối tượng này và giấy tờ xe là giấy tờ giả thì đây là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt số tiền bán xe. Do giấy tờ giả nên thủ tục bán xe không hợp pháp, có yếu tố gian dối làm cho hợp đồng vô hiệu và tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ xe là bên cho thuê.
"Hành vi không trả lại xe sau khi hết hạn hợp đồng chỉ là hành vi sử dụng trái phép tài sản, rất khó để chứng minh là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn việc làm giả giấy tờ xe để bán cho người khác thì hành vi này có thể bị xử lý về tội "Lừa đảo tiền chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự và người bị hại được xác định là người mua xe chứ không phải là chủ xe. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án này để đảm bảo giải quyết vụ án công bằng, đúng pháp luật", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
TIẾN HƯNG
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế