/ Luật sư trực ban
/ Hung thủ gây án xong tự sát: Vụ án giải quyết thế nào?

Hung thủ gây án xong tự sát: Vụ án giải quyết thế nào?

16/02/2022 07:56 |

(LSVN) - Trong trường hợp nghi phạm duy nhất của vụ án lại tự sát, căn cứ Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vụ án sẽ không được khởi tố. Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 1, Điều 230, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Vụ nổ súng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, khiến 02 người chết, 01 người bị thương nặng vừa qua.

Ngày 15/02/2022, tại xóm Tân Tiến (xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) xảy ra vụ án mạng khiến 3 người thương vong. Điều đáng nói, sau khi sử dụng súng để bắn hàng xóm của mình là ông L.V.T. (51 tuổi) và bà P.T.Đ. (51 tuổi, vợ ông T.), đối tượng Lê Văn Hữu (41 tuổi, trú tại xóm Tân Tiến) đã ngay lập tức tự sát bằng súng.

Vậy, việc hung thủ sau khi gây án xong tự sát thì trách nhiệm pháp lý như thế nào, vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự thực hiện ra sao?

Trao đổi với Tạp chí Luât sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.

Người thực hiện hành vi giết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp nghi phạm duy nhất của vụ án lại tự sát, căn cứ Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vụ án sẽ không được khởi tố. Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 1, Điều 230, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Điều 230, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về "Đình chỉ điều tra" như sau:

1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2, Điều 91 của Bộ luật Hình sự;

b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này.

Trường hợp hung thủ gây án đã chết nhưng vụ án xác định còn đồng phạm bao gồm người tổ chức, xúi giục, giúp sức thì vụ án vẫn sẽ được điều tra, khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Vấn đề bồi thường thiệt hại

Luật sư cho hay, với các vụ án hình sự xâm phạm đến tính mạng người khác, người có hành vi vi phạm ngoài việc bị xử lý về mặt hình sự còn có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Nếu người vi phạm đã chết, vụ án hình sự có thể bị đình chỉ điều tra và không khởi tố. Tuy nhiên, theo Điều 615, Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế của họ vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, theo đó nếu các bên không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa là 149 triệu đồng.

TRẦN QUÝ

Người dân có được kiểm tra kế hoạch chuyên đề tuần tra của CSGT?

Lê Minh Hoàng