/ Kinh tế - Pháp luật
/ Hướng dẫn xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở

Hướng dẫn xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở

23/08/2023 15:42 |

(LSVN) - Thông tư số 50/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Trong đó, Điều 2 Thông tư số 50/2023/TT-BTC quy định rõ về xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.

Cụ thể, đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc được điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2023/TT-BNV ngày 26/6/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ chức chính trị - xã hội và Hội và các văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trong đó, đề nghị chú ý một số nội dung sau:

- Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở là số thực có mặt tại thời điểm ngày 01/7/2023 trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt).

- Không tổng hợp số đối tượng vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2023; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý số biên chế dôi dư theo quy định của pháp luật.

- Không tổng hợp số đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP; các cơ quan, đơn vị bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao và các nguồn thu hợp pháp khác để chi trả cho các đối tượng này theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP cho các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này căn cứ vào mức tiền lương cơ sở tăng thêm; hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ; hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối), tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn). Trong đó, cách thức xác định mức lương, phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm do điều chỉnh mức lương cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách sau:

- Đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Quốc phòng; thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng (thuộc đơn vị dự toán do ngân sách nhà nước bảo đảm); thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật, học viên Công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân, công nhân công an và thân nhân người làm công tác cơ yếu.

- Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp theo Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư; chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp ủy thuộc cấp tỉnh theo Quy định số 09-QĐ/VPTW ngày 22/9/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng.

- Hoạt động phí của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Hỗ trợ quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố theo mức khoán từ ngân sách nhà nước.

Riêng các cơ quan, đơn vị hành chính của trung ương đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Nhu cầu kinh phí của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm cả phần ngân sách nhà nước cấp để thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức viên chức tại các cơ sở y tế công lập theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ, chính sách tinh giản biên chế, chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu cho các đối tượng do địa phương quản lý theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 113/2018/NĐ-CP), Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 143/2020/NĐ-CP), Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 26/2015/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Nhu cầu kinh phí điều chỉnh trợ cấp tăng thêm cho cán bộ xã nghỉ việc được xác định căn cứ vào số đối tượng thực có mặt tại thời điểm ngày 01/7/2023, mức trợ cấp tăng thêm quy định tại Nghị định số 42/2023/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng.

Nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp, trợ cấp tính trên lương, ngạch, bậc hoặc mức lương cơ sở được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và hướng dẫn của các bộ, cơ quan Trung ương sau thời điểm ngày 01/7/2023 (nếu có) được tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 và xử lý nguồn thực hiện theo các quy định của thông tư này.

HÀ ANH

Bùi Thị Thanh Loan