Ảnh minh họa.
Theo đó, tại Luật Quản lý thuế và Nghị định hướng dẫn đã có quy định về việc cơ quan thuế có trách nhiệm tổ chức thu thập thông tin quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử. Cơ sở dữ liệu này phục vụ công tác quản lý thuế và được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để thay thế hóa đơn giấy trong công tác quản lý. Quy chế mẫu nhằm hướng dẫn cơ quan thuế thống nhất việc cung cấp thông tin hóa đơn điện tử. Đồng thời, thu thập thông tin về sai phạm liên quan đến hóa đơn điện tử từ các cơ quan/tổ chức bên ngoài phục vụ quản lý rủi ro.
Cụ thể, Công văn hướng dẫn áp dụng Quy chế mẫu trao đổi thông tin hóa đơn điện tử như sau:
Khi cơ quan/tổ chức bên ngoài có yêu cầu cung cấp thông tin hóa đơn điện tử thì cơ quan thuế xem xét về chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng thông tin hóa đơn điện tử của cơ quan/tổ chức đó. Trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin hóa đơn điện tử phù hợp theo quy định, cơ quan thuế và cơ quan/tổ chức bên ngoài thực hiện trao đổi thống nhất nội dung cụ thể theo các mục nêu tại Quy chế mẫu.
Khi dự thảo quy chế trao đổi thông tin hóa đơn điện tử với cơ quan/tổ chức bên ngoài, cơ quan thuế cần lưu ý: Đưa cụ thể tên cơ quan/tổ chức bên ngoài áp dụng Quy chế vào nội dung dự thảo; Giữ theo khung nội dung của Quy chế mẫu; Điền thông tin phù hợp theo phần chữ in nghiêng trong ngoặc nhọn (< >); Khi đưa nội dung vào quy chế cần lưu ý tuân theo các quy định nêu tại ghi chú cuối trang (footnote).
Ngoài ra, để đảm bảo có chức năng đáp ứng việc tra cứu thông tin qua Cổng thông tin hóa đơn điện tử, Cục Thuế/Chi cục Thuế/Chi cục Thuế khu vực rà soát thực trạng ứng dụng và gửi dự thảo Quy chế tới Tổng cục Thuế trước khi ký Quy chế.
PV