Ảnh minh họa.
Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát các cấp tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo, chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Chú trọng việc nghiên cứu hồ sơ và chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp. Tích cực áp dụng phương pháp sơ đồ tư duy trong nghiên cứu hồ sơ, báo cáo.
Thực hiện kiểm sát (100%) bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm tra biên bản phiên tòa; thực hiện quyền yêu cầu, tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện chủ động tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương trong quản lý hành chính Nhà nước để hạn chế đến mức tối đa khiếu nại, khiếu kiện, nhằm đảm bảo trật tự quản lý hành chính, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của công dân; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc có yếu tố nước ngoài theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
VĂN QUANG